Đối với viêm quanh khớp vai, tình trạng này không chỉ gây đau khó chịu mà nếu để kéo dài còn có thể làm đông cứng khớp vai, khiến cho người bệnh không thể vận động. Do đó người bệnh cần đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt để thăm khám và điều trị dứt điểm viêm khớp vai, tránh bệnh diễn biến nặng hơn hoặc tái lại nhiều lần.
1. Viêm quanh khớp vai là gì?
Viêm quanh khớp vai là tình trạng xuất hiện khi phần mềm quanh khớp vai như gân, cơ, dây chằng hoặc bao khớp bị viêm.
Cấu tạo của khớp vai gồm ba xương: xương cánh tay, xương bả vai và xương đòn. Khớp vai không chỉ là một trong các khớp lớn và phức tạp mà còn giữ vai trò quan trọng đối với khả năng vận động của cơ thể. Bên cạnh đó, khớp vai còn liên quan nhiều đến các rễ thần kinh vùng cổ, phần trên của lưng, cũng như các hạch giao cảm cổ. Vì thế khi khớp vai bị viêm, người bệnh không chỉ khó chịu mà khả năng vận động cũng bị hạn chế đáng kể.
2. Nguyên nhân viêm khớp vai
Tình trạng viêm quanh khớp phát chủ yếu xuất phát từ các nguyên nhân sau:
- Sự lão hóa tự nhiên của cơ thể, thường gặp ở những người trung niên (từ 50 tuổi trở lên)
- Chấn thương mạnh vào vùng vai do nghề nghiệp, thói quen hoặc khi chơi thể thao.
- Hệ quả của một số bệnh lý như viêm gân, thoái hoá, vôi hoá phần mềm,…
- Thời tiết lạnh và ẩm cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ viêm khớp vai.
- Trong một số trường hợp, viêm khớp quanh vai có thể xuất hiện nhưng không rõ nguyên nhân.
3. Triệu chứng viêm quanh khớp vai
Viêm khớp vai được chia thành 3 tình trạng chính: viêm quanh khớp vai đơn thuần, viêm quanh khớp vai thể đông cứng và hội chứng vai – tay. Do vậy, triệu chứng cũng sẽ phụ thuộc vào tình trạng mà người bệnh mắc phải.
3.1. Viêm quanh khớp vai đơn thuần
Tình trạng này thường gặp ở những người trên 50 tuổi do lão hóa tự nhiên của cơ thể hoặc do chấn thương ở vai. Với viêm quanh khớp vai đơn thuần, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như:
- Đau ở mỏm cùng vai, mặt trước và mặt ngoài vai.
- Đau tăng khi dang tay ra ngoài, giơ tay lên trên hoặc gãi lưng.
- Đau khi ấn vào các vị trí ở mỏm cùng vai, mặt trước xương cánh tay, gân cơ nhị đầu trong rãnh cơ nhị đầu cánh tay, gân cơ tam đầu cánh tay.
3.2. Viêm quanh khớp vai thể đông cứng
Đông đặc khớp vai là tình trạng hay gặp nhất của viêm quanh khớp vai. Theo đó, viêm quanh khớp vai thể đông cứng mô tả tình trạng bao khớp vai dày lên, trở nên co cứng và khiến cho khả năng vận động của khớp vai bị hạn chế. Dấu hiệu nhận biết tình trạng này vô cùng đặc biệt vì trải qua 3 giai đoạn:
- Giai đoạn đóng băng (kéo dài 6 – 9 tháng): Cơn đau ở khớp vai thường tăng nhiều vào ban đêm và khi người bệnh cử động. Vai cũng không còn linh hoạt như trước.
- Giai đoạn đông cứng (kéo dài 4 – 12 tháng): Cơn đau giảm dần nhưng tình trạng cứng khớp vai ngày càng tồi tệ hơn. Đồng thời, các cơ vai cũng bị teo nhẹ do ít vận động.
- Giai đoạn “tan băng” (kéo dài 6 tháng – 2 năm): Giai đoạn đông cứng dần kết thúc. Vai dần linh hoạt trở lại.
3.3. Hội chứng vai – tay
Tình trạng này bao gồm các tổn thương viêm quanh khớp vai thể đông cứng giai đoạn 2 (đông cứng) và rối loạn thần kinh vận mạch ở bàn tay. Lúc này, người bệnh sẽ gặp các vấn đề như:
- Khớp vai trở nên cứng và khó di chuyển.
- Bàn tay bị rối loạn thần kinh vận mạch với các biểu hiện như phù bàn tay lan lên một phần cẳng tay, phù cứng, màu da đỏ tía hoặc tím, da lạnh.
- Đau nhức cả bàn tay suốt ngày đêm.
- Móng tay mỏng, giòn, dễ gãy.
- Các cơ của bàn tay teo rõ, vận động bàn tay, ngón tay hạn chế.
4. Phương pháp chẩn đoán
Để chẩn đoán viêm quanh khớp vai, bác sĩ sẽ tiến hành một số kiểm tra, bao gồm:
- Siêu âm khớp vai nhằm phát hiện các tổn thương (nếu có) ở khớp vai.
- Chụp X-quang khớp vai để xác định viêm khớp vai có phải do thoái hóa hoặc lắng đọng canxi ở gân cơ trên vai hay không.
- Chụp khớp vai có bơm thuốc cản quang hoặc MRI ghi hình khớp vai có bơm thuốc cản quang (MRI arthrogram) để phát hiện tình trạng đứt gân (nếu có).
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) để chẩn đoán chính xác các tổn thương phần mềm khớp vai.
- Nội soi khớp vai để xác định mức độ và hướng điều trị cho tình trạng viêm khớp ở vai.
- Bác sĩ có thể thăm khám bằng tay ban đầu để xác định sơ lược về vị trí và mức độ đau của người bệnh
- Bác sĩ có thể thăm khám bằng tay ban đầu để xác định sơ lược về vị trí và mức độ đau của người bệnh
5. Phương pháp điều trị viêm quanh khớp vai
Có rất nhiều cách điều trị viêm quanh khớp vai tùy theo mức độ viêm, bao gồm:
5.1. Để khớp vai nghỉ ngơi
Đầu tiên khi xuất hiện các dấu hiệu viêm quanh khớp vai, người bệnh cần để vai nghỉ ngơi. Cụ thể, lúc này người bệnh cần tránh lao động nặng quá mức, cũng như tác động trực tiếp lên vai và khớp vai.
5.2. Uống thuốc giảm đau
Trong một số trường hợp người bệnh có thể dùng thuốc để giảm đau. Các loại thuốc phổ biến gồm giảm đau non-steroid, steroid đường uống hoặc đường tiêm. Tuy nhiên, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc mà cần theo sự chỉ định của bác sĩ nhằm tránh các rủi ro do dùng thuốc không đúng cách gây ra.
5.3. Tập một số động tác nhẹ nhàng
Người bệnh có thể tập một số động tác nhẹ với sự hỗ trợ của chuyên viên hoặc tại nhà để cải thiện tình trạng viêm khớp vai. Nếu tự tập tại nhà, người bệnh có thể thực hiện theo các bước sau:
- Đưa khớp vai ra trước, lên trên.
- Duỗi khớp vai ra sau.
- Dạng khớp vai ra ngang lên trên.
- Khép khớp vai vào trong.
- Đặc biệt, người bệnh có thể tập với dụng cụ như gậy hoặc dây để tăng hiệu quả.
6. Cách phòng ngừa bệnh
Để phòng ngừa viêm khớp quanh vai, bạn cần chú ý một số điều sau:
- Tránh làm việc quá sức hoặc mang vác nặng.
- Cẩn thận khi chơi những môn thể thao có thể làm tổn thương vai.
- Không thay đổi tư thế vai đột ngột, bên cạnh đó bạn cũng nên làm nóng (khởi động) khớp vai và cánh tay trước khi vận động.
- Dành thời gian nghỉ ngơi sau khi vận động vai nhiều và tránh tác động chèn ép vai.
Trên đây là một số điều cần biết về viêm khớp ở vai. Để hiểu hơn về tình trạng và cách điều trị viêm quanh khớp vai, bạn có thể tham khảo thêm qua video sau đây. Ngoài ra, khi có các dấu hiệu bất thường ở vai, bạn cũng nên đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra và có cách điều trị kịp thời.