Viêm khớp tự miễn có mức độ nguy hiểm được xếp hàng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau bệnh lý tim mạch và ung thư. Bệnh khó điều trị dứt điểm, tuy nhiên nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng cách, bệnh có thể khắc phục được, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm..
1. Viêm Khớp Tự Miễn Là Gì?
Bệnh viêm khớp tự miễn do bệnh miễn dịch là một nhóm các loại viêm khớp phát sinh khi tế bào xương khớp khỏe mạnh bị tấn công bởi chính tự kháng thể do hệ thống miễn dịch “phái đến”. Trong đó, viêm khớp dạng thấp (RA) và viêm khớp vảy nến là hai bệnh viêm khớp tự miễn phổ biến nhất.
Viêm khớp vảy nến là một dạng viêm khớp tự miễn điển hình với dấu hiệu đặc trưng là da tróc vảy trắng. Tốc độ phát triển, phạm vi ảnh hưởng và biểu hiện của các bệnh khớp tự miễn ở mỗi người không hoàn toàn giống nhau. Đặc biệt, đây là dạng bệnh mạn tính, không có cách điều trị dứt điểm (trừ khi khắc phục được “lỗi” của hệ thống miễn dịch). Tuy nhiên, phát hiện sớm và điều trị đúng hướng sẽ cải thiện triệu chứng và ngăn chặn biến chứng hiệu quả, đem lại cuộc sống gần như bình thường cho người bệnh.
2. Nguyên Nhân Gây Bệnh Viêm Khớp Tự Miễn
Ngay từ đầu bài viết, nguyên nhân gây viêm khớp do bệnh tự miễn đã được nhấn mạnh là “rối loạn hệ thống miễn dịch”. Nhưng tại sao hệ thống miễn dịch lại bị rối loạn “vô cớ”, làm phóng thích tự kháng thể tấn công chính tế bào khỏe mạnh của cơ thể thì đến nay vẫn chưa tìm được đáp án, các nhà chuyên môn chỉ đưa ra các yếu tố nguy cơ, bao gồm:
-
Di truyền: Bạn có thể bị viêm khớp tự miễn nếu thành viên trong gia đình mắc một loại viêm khớp tự miễn nào đó, điển hình là viêm khớp dạng thấp.
-
Môi trường: Tiếp xúc với các chất độc hại từ môi trường như khói bụi từ nhà máy, nước thải công nghiệp… làm tăng rủi ro viêm khớp tự miễn.
-
Tuổi tác: Viêm khớp tự miễn khởi phát ở mọi độ tuổi, nhưng triệu chứng bệnh biểu hiện rõ rệt nhất là độ tuổi từ trên 40 đến 60.
-
Giới tính: Tùy vào loại viêm khớp, yếu tố giới tính có sự ảnh hưởng nhất định. Nếu viêm khớp dạng thấp, phụ nữ có tỷ lệ phát bệnh cao hơn nam giới; còn nếu viêm cột sống dính khớp thì tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới cao hơn nữ giới.
-
Hút thuốc lá: Thuốc lá là tác nhân gia tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý, bao gồm ung thư và viêm khớp tự miễn.
-
Cân nặng: Người thừa cân có nguy cơ mắc bệnh khớp tự miễn cao, nhất là viêm khớp dạng thấp.
Dù không phải nguyên nhân, nhưng các yếu tố này thúc đẩy và tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp miễn dịch. Vậy nên, yếu tố nào có thể thay đổi được (môi trường, thuốc lá) thì chúng ta nên chủ động can thiệp từ sớm.
3. Biến Chứng Của Nhóm Viêm Khớp Tự Miễn
Người bệnh viêm khớp tự miễn có thể phải gánh chịu những biến chứng nghiêm trọng nếu phát hiện bệnh muộn và điều trị sai cách:
-
Tổn thương khớp không thể phục hồi, dẫn đến biến dạng khớp và bại liệt.
-
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
-
Tăng áp động mạch phổi hoặc tràn dịch màng phổi.
-
Các vấn đề về tim: xơ cứng động mạch, viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim, suy tim sung huyết…
Mỗi dạng viêm khớp tự miễn sẽ gây ra những biến chứng với mức độ nặng – nhẹ khác nhau. Để càng lâu, biến chứng càng khó lường, thế nên bạn hãy đến bệnh viện chẩn đoán bệnh viêm khớp tự miễn ngay khi có biểu hiện đau nhức bất thường ở các khớp.
4. Biểu Hiện Của Khớp Trong Các Bệnh Tự Miễn
Rất phong phú từ đau mỏi khớp, đau xương đến viêm khớp, tràn dịch khớp, hoại tử xương…
Viêm khớp tự miễn có đặc điểm gần giống như bệnh viêm khớp dạng thấp như viêm các khớp nhỏ ở bàn tay, bàn chân, viêm khớp mang tính chất đối xứng hai bên… Tuy nhiên bệnh có đặc điểm khác là hầu như không có tổn thương bào mòn đầu xương, dính khớp trên phim Xquang như trong bệnh viêm khớp dạng thấp.
Trong bệnh xơ cứng bì toàn thể, ngoài viêm khớp nhỏ và nhỡ còn có các tổn thương xơ cứng da và tổ chức dưới da, co thắt mạch đầu chi (hội chứng Raynaud), nuốt nghẹn, xơ phổi…
Bệnh tự miễn luôn được xếp vào nhóm bệnh nguy hiểm vì hiện nay y học vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây bệnh cụ thể, triệu chứng đa dạng dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Đặc biệt là chưa có thuốc điều trị dứt điểm bệnh hoàn toàn. Ngoài dùng thuốc điều trị, người bệnh cần được nghỉ ngơi hợp lý, làm việc nhẹ nhàng, dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý, bổ sung chất khoáng và sinh tố. Tăng cường vệ sinh răng miệng và phòng các nhiễm khuẩn răng miệng.
5. Phương pháp điều trị viêm khớp tự miễn
Nếu như trước đây hầu hết bệnh tự miễn không thể chữa khỏi hoàn toàn, người bệnh viêm khớp tự miễn phải chấp nhận sống chung với bệnh, gánh chịu những di chứng nặng nề, thậm chí tàn phế thì hiện nay, sự tiến bộ của y học hiện đại đã mở ra bước ngoặt điều trị mới. Khoa Nội Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tiên phong cập nhật và ứng dụng những thành tựu y học hiện đại nhất thế giới trong điều trị bệnh viêm khớp tự miễn, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm, hồi sinh vận động cho bệnh nhân.
Thực tế cho thấy khi xuất hiện các triệu chứng phát ban, đau nhức xương khớp… một số bệnh nhân tự ý mua thuốc điều trị tại nhà mà không có chỉ định của bác sĩ. Phó giáo sư Hồng Hoa khuyến cáo, người bệnh nên thăm khám ngay khi có các triệu chứng bất thường và tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ, tránh những biến chứng nguy hiểm đáng tiếc xảy ra.
6. Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân viêm khớp tự miễn
Một chế độ dinh dưỡng không lành mạnh, thiếu khoa học không chỉ làm các phương pháp điều trị mất hiệu quả mà còn khiến bệnh tình ngày càng trầm trọng. Do đó, chuyên gia khuyến cáo người bệnh viêm khớp tự miễn cần duy trì thói quen ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết và tốt cho hệ cơ xương khớp, đồng thời tránh xa những thực phẩm có hại cho cơ quan này.
Các thực phẩm tốt cho bệnh nhân viêm khớp tự miễn gồm thực phẩm nhiều acid béo omega 3, các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, yến mạch, lúa mì, bông cải xanh, các sản phẩm từ sữa và trái cây giàu vitamin C…
Người bệnh viêm khớp tự miễn cần tránh thức uống chứa cồn, đồ ăn nhanh, các loại thịt đỏ, hải sản, thịt gà, nội tạng động vật… vì càng khiến bệnh trở nên trầm trọng.