Tổn thương xương khớp tuổi thiếu niên hiện nay là nhóm bệnh cơ xương khớp rất hay gặp, diễn biến phức tạp, khó nhận biết và nhìn chung vẫn còn gây rất nhiều khó khăn cho các bác sĩ lâm sàng nói chung và các bác sĩ nhi khoa nói riêng trong chẩn đoán, điều trị, theo dõi và tiên lượng bệnh.
1. Định Nghĩa Viêm Khớp Thiếu Niên
Viêm khớp thiếu niên hệ thống là một bệnh viêm khớp mạn tính, thường xảy ra ở trẻ dưới 16 tuổi, không rõ căn nguyên rõ ràng, thời gian tồn tại của bệnh viêm khớp thiếu niên ít nhất trên 6 tuần, đã loại trừ được các căn nguyên khác gây viêm khớp. Bệnh viêm khớp thiếu niên được xác định khi:
- Sưng khớp hoặc có tràn dịch màng trong khớp
- Hoặc có ít nhất 2 dấu hiệu sau: Đau khớp thường xuyên hoặc đau khi vận động, hạn chế vận động khớp, cảm giác tăng nóng tại khớp
Viêm khớp thiếu niên hệ thống thường thoáng qua, nhưng bệnh gây ra các tổn thương ngoài khớp thường nặng và kéo dài có thể gây tử vong cho trẻ. Bệnh viêm khớp thiếu niên cần được chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý có biểu hiện toàn thân khác như nhiễm trùng huyết, viêm da cơ, viêm đa cơ, bệnh Kawasaki, Lupus ban đỏ hệ thống, bệnh Behet, bạch huyết cấp…
2. Triệu Chứng Bệnh Viêm Khớp Thiếu Niên
2.1. Triệu chứng lâm sàng
2.1.1. Triệu chứng tại khớp
- Đau khớp là triệu chứng sớm và thường thoáng qua.
- Viêm đa khớp điển hình là khớp cổ tay, khớp gối, khớp cổ chân. Một số trường hợp viêm đa khớp ở khớp bàn tay, khớp háng, cột sống cổ và khớp thái dương hàm dưới.
2.1.2. Triệu chứng ngoài khớp:
Sốt trong bệnh viêm khớp thiếu niên thường xuất hiện trong đợt khởi phát, nhưng cũng có thể xảy ra sau đợt viêm khớp. Tính chất sốt: Có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày, thường xảy ra vào buổi chiều hoặc tối. Sốt tăng cao và giảm nhanh dưới nhiệt độ bình thường vào sáng sớm, có thể xuất hiện kèm ớn lạnh, đau cơ, biếng ăn, mệt mỏi.
- Phát ban: Đặc điểm ban dạng dát hình tròn màu hồng, xung quanh nhạt màu, thường riêng biệt, có đường kính khoảng 2-10mm, ban dễ phai, nổi bật nhất khi trẻ sốt, mờ đi khi nhiệt độ trở về bình thường và xuất hiện trở lại khi có đợt sốt khác. Ban thường thấy ở thân người, gốc chi hoặc toàn thân.
- Viêm màng thanh dịch và tổn thương tim: Tràn dịch màng ngoài tim có thể phát hiện ở hầu hết các trường hợp bệnh viêm khớp thiếu niên hệ thống trong đợt tiến triển bệnh nhưng lượng ít, không có triệu chứng.
- Tràn dịch màng phổi thường gặp trong đợt cấp của bệnh viêm khớp thiếu niên, có thể có viêm phổi mô kẽ lan tỏa nhưng hiếm.
- Đau bụng có thể do viêm màng bụng hoặc căng bao gan nguyên nhân do gan to nhanh, có thể biểu hiện giống như cơn đau bụng cấp.
- Tổn thương hệ liên võng nội mô: Vị trí tổn thương thường gặp ở cổ, hạch mạc treo; hạch không đau, mềm và di động. Gan to gặp ở bệnh viêm khớp thiếu niên thể hệ thống hoạt động, có thể kèm chỉ số men gan tăng. Lách to gặp trong khoảng 30-50% trường hợp. Trong hội chứng Felty, trẻ có biểu hiện lách to và dấu hiệu cường lách (giảm cả ba dòng ở ngoại vi).
- Các triệu chứng khác: triệu chứng của hệ thần kinh trung ương như kích thích, giảm tri giác, co giật và dấu hiệu màng não. Viêm màng bồ đào ít gặp ở bệnh viêm khớp thiếu niên thể hệ thống.
- Tổn thương khớp thường gặp ở khớp cổ tay, khớp háng, khớp vai. Tổn thương cột sống cổ và khớp háng thường ở giai đoạn trễ. Viêm dính cột sống và khối xương cổ tay thường gặp ở thể hệ thống nặng, kháng trị.
2.2. Triệu chứng cận lâm sàng
- Bạch cầu máu thường tăng rất cao 30.000-50.000/ mm3 trong đó bạch cầu đa nhân trung tính chiếm ưu thế.
- Tiểu cầu tăng cao có thể tới 1.000.000/ mm3; thiếu máu với nồng độ Hb từ 7-10 g/dl.
- Tốc độ máu lắng tăng rất cao, tăng Fibrinogen, Ferritin và D-dimer tăng vừa. Nếu tốc độ máu lắng và Fibrinogen giảm đột ngột cần phải chú ý đến dấu hiệu sớm của hội chứng hoạt hóa đại thực bào (MAS).
- Tăng các globulin miễn dịch đa dòng, nhưng các tự kháng thể (RF, ANA) thường âm tính.
- Xét nghiệm dịch khớp có số lượng bạch cầu từ 10.000 đến 40.000/mm3. Một số ít trường hợp bạch cầu có thể tăng tới 100.000/mm3, cần chẩn đoán phân biệt với viêm khớp nhiễm trùng.
- Xquang có thay đổi ở xương và phần mềm thường gặp ở trẻ viêm khớp thiếu niên tự phát thể hệ thống.
Những thay đổi sớm trên X quang có liên quan với tăng số lượng tiểu cầu và tồn tại triệu chứng viêm toàn thân trên 6 tháng.
3. Chẩn Đoán Viêm Khớp Thiếu Niên Hệ Thống
3.1. Chẩn đoán viêm khớp thiếu niên tự phát thể hệ thống (ILAR)
- Viêm bất kỳ khớp nào với sốt đặc trưng mỗi ngày kéo dài trên 2 tuần
- Ban mau phai mờ
- Hạch toàn thân
- Gan lớn hoặc lách lớn.
- Viêm màng thanh dịch.
3.2. Chẩn đoán phân biệt
Cần chẩn đoán loại trừ bệnh viêm khớp thiếu niên tự phát thể hệ thống khi có các biểu hiện đi kèm sau đây:
- Bệnh vẩy nến hoặc tiền sử mắc bệnh vẩy nến ở họ hàng đời thứ nhất.
- Viêm khớp ở bé trai HLA-B27, khởi phát bệnh sau 6 tuổi
- Viêm cột sống dính khớp thiếu niên, viêm điểm bám gân, viêm khớp cùng chậu với viêm ruột mạn, hội chứng Reiter, viêm màng bồ đào trước, hoặc có tiền sử của một trong số các bệnh lý này ở họ hàng đời thứ nhất.
- Hiện diện của yếu tố viêm khớp dạng thấp ở 2 lần xét nghiệm cách nhau trên 3 tháng.
4.Phương Pháp Điều Trị Viêm Khớp Thiếu Niên Hiệu Quả
Bệnh xảy ra ở thiếu niên là đối tượng nhạy cảm, nếu điều trị không đúng dễ xảy ra biến chứng. Khuyến nghị nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám chuyên khoa và điều trị cơ bản bằng thuốc chuyên khoa theo phác đồ. Một số loại thuốc được dùng hiệu quả để điều trị bệnh viêm khớp thiếu niên:
Thuốc chống viêm không steroid được chỉ định ngay khi trẻ được chẩn đoán viêm khớp, dùng một trong các loại sau :
- Aspirin: liều dùng 75 – 90mg/kg cân nặng/ngày.
- Ibuprofen: có thể dùng cho trẻ từ 6 tháng tuổi. Liều dùng: 35mg/kg/ngày (dạng viên), 45mg/kg/ngày (dạng siro) chia 3 lần.
- Naproxen: dùng cho trẻ từ 2 tuổi, dạng viên và dạng siro. Liều dùng: 20 – 30mg/kg/ngày chia 2 lần.
- Piroxicam: < 15kg: 5mg/ngày; 16-25kg: 10mg/ngày; 26 – 45kg: 15mg/ngày, > 46kg: 20mg/ngày. Uống 1 lần.
- Diclofenac: 1-3mg/kg/ngày chia 2 – 3 lần.
Thuốc Corticoid:
- Tiêm tại khớp: Được chỉ định đặc biệt trong thể viêm một hoặc vài khớp, trong trường hợp khớp sưng đau nhiều. Chỉ được tiêm tại những cơ sở y tế có chuyên khoa cơ – xương – khớp, nên tiêm dưới hướng dẫn của siêu âm.
- Điều trị tổn thương mắt: Để điều trị những tổn thương ở mắt, phải được chỉ định và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa mắt… có thể chỉ định các thuốc nhỏ mắt có corticoid như Tobradex (dexamethazone + tobramycin) 5ml; tra mắt 4 – 6 lần/24 giờ.
Với trường hợp nặng hơn sẽ được điều trị ngoại khoa:
- Nội soi khớp: Rửa khớp hoặc cắt bỏ màng hoạt dịch dưới nội soi. Được chỉ định trong những trường hợp viêm khớp kéo dài, không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác, đặc biệt là những khớp lớn như khớp gối, khớp khuỷu, cổ chân.
- Thay khớp nhân tạo: Chỉ định trong trường hợp mất chức năng vận động nhiều.
Ngoài ra, người bệnh sẽ được điều trị vật lí trị liệu. Vật lý trị liệu nhằm duy trì đến mức tối đa tầm vận động của khớp, tránh cứng khớp, dính khớp. Có thể dùng các biện pháp như sóng ngắn, tia hồng ngoại, tắm suối khoáng, tập các bài tập phục hồi chức năng vận động khớp… Tuy nhiên, trong thời gian đau nhiều có thể tạm thời bất động khớp nhưng cần lựa chọn tư thế sao cho giữ được biên độ vận động lớn nhất.
5.Chế Độ Sinh Hoạt Và Phòng Ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm khớp thiếu niên
Người bệnh tuyệt đối làm theo những hướng dẫn của bác sĩ, không nên tự ý ngưng thuốc khi không có sự cho phép của bác sĩ. Đối với người bệnh tập vật lý trị liệu cần tránh những vận động mạnh ảnh hưởng đến các khớp. Ngoài ra, phải có chế độ ăn uống hợp lý và tập những bài vận động nhẹ nhàng để nhanh chóng kết thúc căn bệnh.