Viêm khớp cổ chân không chỉ xảy ra ở người cao tuổi mà người trẻ cũng có nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, không ít người có tâm lý chủ quan, coi nhẹ việc điều trị khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Vậy viêm khớp cổ chân là bệnh gì? Có triệu chứng như thế nào? Nguyên nhân và cách điều trị ra sao? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua nội dung dưới đây!
1. Bệnh Viêm Khớp Cổ Chân Là Gì?
Khớp cổ chân đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc gánh chịu toàn bộ trọng lượng cơ thể cũng như duy trì các hoạt động hàng ngày. Chính vì vậy, bộ phận này rất dễ bị tổn thương và phát sinh nhiều bệnh lý nghiêm trọng, thường gặp nhất là viêm khớp cổ chân.
Viêm khớp cổ chân là tình trạng hư hỏng phần sụn đệm giữa hai đầu xương do giảm sút lượng dịch nhầy bôi trơn, từ đó gây ra triệu chứng đau khớp mắt cá chân và cứng khớp. Bệnh chủ yếu gặp ở người trung niên (45-60 tuổi), đặc biệt là lứa tuổi sau 60. Nếu không có phương pháp điều trị kịp thời sẽ gây ra tình trạng viêm bao hoạt dịch cổ chân, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
2. Các Nguyên Nhân Gây Bệnh Viêm Khớp Cổ Chân
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng viêm khớp cổ chân, dưới đây là một số nguyên nhân chính thường gặp phải:
2.1. Viêm khớp cổ chân sau chấn thương
Những chấn thương khi lao động, chơi thể thao hoặc chạy bộ như: bong gân, trật khớp, gãy xương… gây viêm, sưng khớp mắt cá chân hoặc viêm khớp mắt cá chân. Từ đó ảnh hưởng đến vận động và đi lại.
2.2. Lão hóa
Theo quy luật tự nhiên, quá trình lão hóa xương khớp diễn ra khiến cho phần sụn khớp, đặc biệt là sụn khớp ở cổ chân dần bị thoái hóa. Lúc này các xương cọ xát vào nhau gây ra tình trạng đau nhức, vận động khó khăn.
2.3. Béo phì, thừa cân
Khi cơ thể nạp vào quá nhiều thực phẩm giàu chất đạm, chất béo dễ dẫn tới tình trạng thừa cân, béo phì. Điều này tạo thêm áp lực cho phần cổ chân. Tình trạng này kéo dài khiến khớp cổ chân bị tổn thương và gây viêm nhiễm.
2.4. Do một số bệnh lý hoặc dị dạng xương khớp
Một số bệnh lý như: viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp, gút,… cũng có nguy cơ dẫn đến viêm khớp cổ chân. Ngoài ra, những người dị dạng khớp bẩm sinh hoặc mắc các bệnh lý làm thay đổi hình thái xương khớp cũng dễ dẫn đến viêm khớp.
2.5. Do thói quen lười vận động
Lười vận động khiến dịch và sụn khớp không được điều tiết, khả năng thích ứng với những thay đổi trong quá trình vận động bị kém dần. Kèm theo đó là mật độ xương suy giảm nên chỉ một tai nạn nhỏ hoặc vận động quá mạnh cũng khiến khớp cổ chân chịu tổn thương.
Nếu như không có biện pháp xử lý kịp thời, tình trạng sưng viêm sẽ hình thành và người bệnh có nguy cơ phải “đối mặt” những cơn đau nhức và cứng khớp.
3. Dấu Hiệu Nhận Biết Bệnh Viêm Khớp Cổ Chân
Những người bị viêm khớp cổ chân thường gặp phải triệu chứng đau nhức, sưng tấy khớp chân, khó chịu khi vận động, cụ thể:
TRIỆU CHỨNG | BIỂU HIỆN CỤ THỂ |
Cổ chân đau nhói khi vận động | Khớp cổ chân sẽ xuất hiện các cơn đau khi người bệnh lao động, chơi thể thao, đi lại hoặc chạy nhảy nhiều.
cơn đau thường xuất hiện một cách đột ngột khiến người bệnh bị bất ngờ, khó chịu. |
Cứng khớp vào buổi sáng | Hiện tượng này khiến người bệnh khó khăn trong di chuyển. |
Phát ra tiếng kêu khi di chuyển | Khi bạn di chuyển, cổ chân sẽ phát ra các tiếng lạo xạo, lắc rắc. |
Sưng tấy vùng cổ chân | Đi kèm với các cơn đau thì bộ phận này còn sưng đỏ, chạm vào có cảm giác nóng, ấm.
Nếu tình trạng sưng đau kéo dài còn lan sang cả các bộ phận khác như mắt cá chân. |
Triệu chứng khác | Sốt, cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, không muốn vận động,… |
4. Bệnh Viêm Khớp Cổ Chân Có Nguy Hiểm Không?
Ở thời kỳ đầu, viêm khớp cổ chân chỉ có biểu hiện đau nhức phần cổ chân, mắt cá chân, kèm theo triệu chứng sưng đỏ và vận động khó khăn. Tuy nhiên, đến giai đoạn thứ phát, bệnh tiến triển rất nhanh, bắt đầu hình thành các gai xương, gây chèn ép lên rễ thần kinh và tạo ra các cơn đau nhức dữ dội cho người bệnh. Nếu không có phương pháp điều trị kịp thời, bệnh sẽ trở thành mạn tính gây ra các biến chứng sau:
- Teo cơ
- Biến dạng xương khớp
- Cứng khớp, làm mất khả năng vận động, thậm chí là tàn phế.
5. Các Phương Pháp Điều Trị Bệnh Viêm Khớp Cổ Chân
Khi có biểu hiện đau khớp cổ chân người bệnh nên tiến hành thăm khám để xác định được nguyên nhân gây bệnh và đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất. Để cải thiện tình trạng đau nhức và khả năng vận động của mình, người bệnh có thể tham khảo các giải pháp điều trị dưới đây.
5.1. Sử dụng thuốc tây điều trị viêm khớp cổ chân
Sử dụng thuốc tây trong điều trị viêm khớp cổ chân có ưu điểm giúp giảm đau và kháng viêm nhanh. Nếu bạn đang băn khoăn viêm khớp cổ chân uống thuốc gì thì thông tin dưới đây chính là câu trả lời.
– Thuốc giảm đau, kháng viêm không chứa steroid: Naproxen, Ibuprofen, Acetaminophen,…
– Thuốc điều trị ngoài da: Các loại thuốc dạng kem, gel bôi trực tiếp lên vùng da bị đau ở khớp cổ chân giúp giảm các triệu chứng tấy đỏ ngoài da.
– Thuốc tiêm: Với những trường hợp nghiêm trọng, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định tiêm corticoid ngay tại chỗ. Tuy nhiên, cách làm này phải được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên môn cao và tại phòng bệnh vô trùng.
**Lưu ý: Việc dùng thuốc phải tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý mua thuốc. Bởi nếu lạm dụng thuốc tây có thể gây ra tác dụng phụ, ảnh hưởng đến chức năng gan, thận, dạ dày…
5.2. Khắc phục viêm khớp cổ chân bằng các bài thuốc dân gian
Với nguyên liệu chính từ thảo dược “cây nhà lá vườn”, các bài thuốc dân gian được cho là lành tính, không gây tác dụng phụ. Bên cạnh đó, chúng còn mang lại hiệu quả khả quan và giá thành rẻ. Người bị viêm khớp cổ chân nhẹ có thể tham khảo một số bài thuốc sau:
5.2.1. Sử dụng bột quế và mật ong
Mật ong từ lâu đã được biết đến là thần dược trong tự nhiên có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn tốt. Bên cạnh đó, bột quế cũng là dược liệu chống viêm hiệu quả và được sử dụng phổ biến trong các bài thuốc điều trị xương khớp.
Bài thuốc mật ong và bột quế được thực hiện như sau:
- Bước 1: Trộn 1 thìa mật ong nguyên chất với 1 thìa bột quế, thêm một chút nước ấm để được hỗn hợp sền sệt.
- Bước 2: Chia hỗn hợp đã trộn được thành 2 phần, pha thêm với nước ấm uống vào sáng và tối.
5.2.2. Tỏi và rượu trắng
Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, tỏi chứa Allicin – hoạt chất kháng sinh có tác dụng chống viêm, giảm đau hiệu quả. Ngoài ra, tỏi còn có chất chống oxy hóa, canxi, sắt, magie… giúp xương khớp cứng cáp, khỏe mạnh, bảo vệ sụn khớp khỏi tác hại của các gốc tự do. Vì vậy, người bệnh có thể tham khảo bài thuốc rượu tỏi để cải thiện tình trạng viêm khớp cổ chân của mình.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Lột sạch phần vỏ bên ngoài tỏi, rửa sạch hết bụi bẩn rồi vớt ra để ráo.
- Bước 2: Ngâm tỏi với rượu trắng theo tỷ lệ cứ 40 gram tỏi tươi với 100ml rượu.
- Bước 3: Khi thấy tỏi chuyển sang màu vàng là bạn có thể lấy ra để sử dụng. Người bệnh dùng rượu tỏi bóp vào các khớp cổ chân để giảm sưng đau.
5.2.3. Tận dụng vỏ sầu riêng
Sau khi ăn sầu riêng bạn đừng vội vứt đi phần vỏ mà hãy tận dụng để khắc phục bệnh viêm khớp vùng cổ chân.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Tách phần vỏ sầu riêng, loại bỏ phần sâu hỏng (nếu có), rồi đem rửa sạch.
- Bước 2: Thái nhỏ phần vỏ rồi đem sấy hoặc phơi khô dưới nắng.
- Bước 3: Đem phần vỏ sầu riêng đã được làm khô sắc lấy nước để uống.
Ngoài ra, khi xuất hiện các cơn đau, bạn cũng có thể chườm lạnh vào vị trí đau. Mỗi lần chườm khoảng 15 phút, mỗi ngày khoảng 4 hoặc 5 lần, các cơn đau sẽ thuyên giảm dần.
5.3. Điều trị viêm khớp cổ chân bằng phương pháp vật lý trị liệu
Bên cạnh 2 phương pháp kể trên, người bị viêm khớp cổ chân có thể tham khảo các giải pháp từ vật lý trị liệu để cải thiện tình trạng bệnh của mình, cụ thể:
– Nhiệt trị liệu: Sử dụng nhiệt nóng để nâng cao khả năng tuần hoàn cho máu, giảm đau, chống viêm. Bên cạnh đó, nhiệt trị liệu còn giúp phân tán những chất trung gian gây viêm, nuôi dưỡng và phục hồi nhanh tổn thương xương khớp. Tuy nhiên, người bệnh cần tránh sử dụng nhiệt nóng trong tình trạng sưng, viêm cấp.
– Tắm hoặc ngâm mình trong nước ấm: Phương pháp này giúp lưu thông khí huyết, giảm đau nhức, cải thiện khả năng vận động. Người bệnh có thể tắm hoặc ngâm chân ở nhiệt độ 30-35 độ C.
– Siêu âm: Sử dụng hiệu ứng nhiệt học, cơ học, hóa học, siêu âm dẫn thuốc hỗ trợ điều trị đau nhức xương khớp.
– Sóng ngắn trị liệu: Sử dụng các bức xạ điện từ có sóng ngắn tính bằng mét, đây là phương pháp điều trị thông thường có bước sóng từ 11-22m. Phương pháp này có tác dụng giúp giảm đau, chống viêm, giãn mạch, tăng cường lưu thông máu ở vùng khớp cổ chân, cải thiện khả năng vận động.
Ngoài ra, xoa bóp, châm cứu… cũng là phương pháp vật lý trị liệu được áp dụng phổ biến trong điều trị viêm khớp cổ chân. Tùy vào từng trường hợp, sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
5.4. Phẫu thuật
Trong trường hợp tình trạng viêm khớp cổ chân có triệu chứng đau nhức nặng nề, phương pháp điều trị bảo tồn không có hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật hàn khớp hoặc thay khớp cổ chân nhân tạo.
Một số hình thức phẫu thuật được áp dụng như:
– Phẫu thuật nội soi: Phù hợp với những người bị viêm khớp do tổn thương sụn xương ở khớp cổ chân. Lúc này, người bệnh sẽ được tiến hành phẫu thuật nội soi để loại bỏ tổn thương bên trong. Sau vài tuần có thể trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.
– Phẫu thuật thay hàn khớp: Bác sĩ tiến hành khử trùng, phẫu thuật lấy bỏ phần xương, sụn bị tổn thương sau đó cố định bằng đinh, đai nẹp. Cuối cùng là khâu đóng vết mổ.
Phương pháp phẫu thuật thường đi kèm với rủi ro như nhiễm trùng, xuất huyết hoặc tổn thương dây thần kinh lúc mổ. Để hạn chế biến chứng, người bệnh nên lựa chọn bệnh viện, cơ sở uy tín, có đội ngũ y bác sĩ giỏi.