Ngày nay, môi trường làm việc ngày càng đòi hỏi cao về sức khỏe, vì vậy các bệnh về khớp, thoái hóa khớp nói chung và thoái hóa khớp cổ chân nói riêng, viêm khớp cổ chân càng trở nên phổ biến hơn.
Bệnh thoái hóa khớp cổ chân nếu không được điều trị đúng và kịp thời sẽ có thể dẫn đến hậu quả tàn phế.
1.Thoái Hóa Khớp Cổ Chân Là Gì?
Thoái hóa khớp cổ chân là tình trạng sụn khớp bị bào mòn theo thời gian, khiến các xương cọ vào nhau khi di chuyển, kèm với phản ứng viêm nên gây đau, cứng và các triệu chứng khác cho người bệnh. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sụn mà còn có thể gây tổn thương xương, dây chằng, gân xung quanh khớp.
Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất ở nhóm người trên 45 tuổi và nữ giới chiếm tỷ lệ nhiều hơn nam giới.
Cấu trúc của khớp cổ chân khá đặc biệt, gồm 3 mặt khớp: sên mác ở bên ngoài, chày sên ở trên và mắt cá trong – sên ở bên trong. Diện tích của mặt khớp cổ chân nhỏ, khoảng 350mm. Độ dày sụn khớp cổ chân không nhiều, có chỗ nhỏ hơn <1mm, nên áp lực lên sụn khớp cổ chân rất lớn. Tuy nhiên, lực bẻ gãy và độ cứng của sụn cao gấp nhiều lần so với gối và háng, nên khớp cổ chân ít bị thoái hóa nguyên phát hơn khớp gối và khớp háng. Khớp cổ chân thoái hóa chủ yếu là do nguyên nhân thứ phát sau chấn thương.
Nguy cơ phát triển thoái hóa mắt cá chân thường liên quan đến:
- Tình trạng thừa cân, béo phì.
- Yếu tố di truyền các bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, gout.
2.Dấu Hiệu Thoái Hóa Khớp Cổ Chân
Thoái hóa khớp cổ chân gây đau vùng khớp ở cổ chân và hạn chế vận động. Cơn đau nhói có thể xảy ra một cách bất chợt hay khi gắng sức, khi ấn vùng khớp hoặc khi va đập mạnh. Mức độ cơn đau dao động từ nhẹ đến nặng, cơn đau thường tăng lên trong quá trình vận động và giảm khi nghỉ ngơi. Những cơn đau đớn này sẽ làm giảm biên độ hoạt động của khớp cổ chân, nếu đau kéo dài trong một thời gian dài sẽ dẫn đến bệnh teo cơ, trong một số trường hợp còn có thể gây biến dạng xương.
Bên cạnh đó thoái hóa khớp cổ chân còn có thể gây ra các phản ứng viêm khớp cổ chân như: sưng – nóng – đỏ ở khớp cổ chân, nặng hơn là tràn dịch khớp kéo theo các cơn đau suốt ngày đêm.
3.Điều Trị Thoái Hóa Khớp Cổ Chân
Trên thực tế, không có phương pháp nào có thể đẩy lùi tình trạng thoái hóa khớp cổ chân. Tuy nhiên, người bệnh có thể được điều trị các triệu chứng, giúp giảm đau và cải thiện khả năng vận động.
3.1 Điều trị không dùng thuốc
- Dùng các loại kem bôi có chứa thành phần: capsaicin, tinh dầu bạc hà,…
- Giảm cân để giảm áp lực lên cổ chân
- Thay đổi thói quen vận động để tránh gây tổn thương khớp
- Tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của các chuyên gia
- Sử dụng nẹp, gậy hoặc mang giày chuyên dụng
3.2 Điều trị bằng thuốc
- Thuốc giảm đau bao gồm Acetaminophen; thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS; Advil, Aleve)
- Điều trị tại chỗ bằng gel hoặc kem bao gồm NSAID (Ví dụ Voltaren), Lidocain (Aspercreme) và Salicylat
- Tiêm glucocorticoid giúp giảm đau nhanh và chỉ nên tiêm 3-4 lần/năm.
3.3 Phẫu thuật
Nếu các phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc không mang lại hiệu quả, khả năng vận động vẫn bị hạn chế, tình trạng đau không thuyên giảm, người bệnh có thể cần phải được phẫu thuật.
- Phẫu thuật nội soi: Phương pháp này ít được áp dụng, nhưng vẫn có thể hữu ích cho một số người bệnh.
- Phẫu thuật hợp nhất khớp: Phương pháp này giúp giảm đau bằng cách cố định xương ở cổ chân.
- Phẫu thuật tạo hình khớp: Đây là phương pháp thay thế toàn bộ cổ chân, sụn và xương bị hư hỏng bằng khớp nhân tạo.
4.Phòng Ngừa Thoái Hóa Khớp Cổ Chân
Thoái hóa là một quá trình tự nhiên của cơ thể. Nhưng nếu chúng ta xây dựng lối sống khoa học, tuân thủ những hướng dẫn sau đây của các chuyên gia cơ xương khớp, tình trạng thoái hóa khớp vẫn có thể được kiểm soát một cách hiệu quả:
- Tránh mang vác vật nặng quá sức
- Tránh vận động cường độ cao khi chưa khởi động hoặc không có dụng cụ bảo vệ
- Chọn giày dép đúng kích thước, độ mềm, tránh mang giày cao gót quá lâu
- Vận động thường xuyên, phù hợp với thể lực và tình trạng sức khỏe
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, với đầy đủ vitamin và khoáng chất
- Duy trì cân nặng ở mức hợp lý
Do đó, mỗi người nên tuân thủ các biện pháp phòng ngừa thoái hóa ở vùng cổ chân. Khi có các triệu chứng liên quan, nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, hạn chế nguy cơ dẫn đến biến chứng. Trong quá trình điều trị, cần phối hợp chặt chẽ với bác sĩ, nghiêm túc tuân thủ các chỉ định để đạt được mục tiêu điều trị