Viêm khớp là tình trạng viêm một hoặc nhiều khớp của bạn đi kèm với những triệu chứng thường gặp như đau, sưng và cứng khớp, bệnh thường nặng hơn theo tuổi tác, trong đó phổ biến nhất là viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp
1. Viêm Khớp Dạng Thấp
Đây là một trong những bệnh tự miễn gây phiền toái cho nhiều người nhất. Bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công các mô của cơ thể, đặc biệt là mô liên kết. Hệ quả là khớp bị tổn thương dẫn tới viêm, gây ra tình trạng đau và thoái hóa mô khớp.
Không giống như tổn thương do thoái hóa khớp gây ra, viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến niêm mạc khớp, gây sưng đau, cuối cùng dẫn đến xói mòn xương và biến dạng khớp.
Không chỉ tác động lên khớp, bệnh còn kéo theo một loạt cơ quan bị tổn thương, chẳng hạn như mắt, da, phổi, mạch máu.
Có một số yếu tố được cho là góp phần gây ra căn bệnh này. Đó là:
- Phụ nữ là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh hơn nam giới
- Tuổi tác: Bệnh tấn công mọi người ở mọi lứa tuổi, nhưng bệnh có xu hướng khởi phát ở tuổi trung niên
- Tiền sử gia đình: Nếu một thành viên trong gia đình bạn bị viêm khớp dạng thấp, bạn sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Hút thuốc lá: Không chỉ làm tăng khả năng phát triển bệnh, hút thuốc lá còn khiến các triệu chứng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
- Tiếp xúc với môi trường chứa hóa chất: Một số chất phơi nhiễm như amiăng, silica là tác nhân khiến bệnh RA phát triển.
- Thừa cân – béo phì: Người có chỉ số BMI > 23 (đặc biệt là phụ nữ trên 55 tuổi
2. Thoái Hóa Khớp
Thoái hóa khớp là bệnh lý xương khớp phổ biến, ảnh hưởng đến sụn, niêm mạc khớp, dây chằng và xương bên dưới của khớp. Bệnh xảy ra khi lớp sụn bảo vệ các đầu xương bị mòn theo thời gian, cuối cùng dẫn đến đau và cứng khớp.
Các khớp thường bị ảnh hưởng bởi bệnh thoái hóa khớp là những khớp phải hoạt động nhiều như hông, đầu gối, bàn tay, cột sống, khớp ngón cái và ngón chân cái.
Yếu tố nguy cơ của bệnh thoái hóa khớp bao gồm:
- Tuổi tác: Nguy cơ mắc bệnh tăng lên theo tuổi tác.
- Giới tính: Nam giới ít có nguy cơ bị thoái hóa khớp hơn so với phụ nữ.
- Thừa cân – béo phì: Chỉ số BMI của bạn càng cao, bạn càng tăng thêm nguy cơ thoái hóa khớp.
- Tổn thương khớp: Những chấn thương xảy ra khi chơi thể thao hoặc do tai nạn là tác nhân làm tăng khả năng bị thoái hóa khớp.
- Di truyền: Một số người bị thoái hóa khớp là do có tiền sử gia đình mắc bệnh này.
- Dị dạng xương: Những người có khớp dị dạng hoặc sụn khiếm khuyết dễ bị thoái hóa khớp hơn.
3. Viêm Khớp Nhiễm Khuẩn
Viêm khớp nhiễm khuẩn là tình trạng khớp bị viêm do nhiễm vi khuẩn hoặc nấm. Các khớp thường bị ảnh hưởng nhất là khớp đầu gối và hông.
Bệnh có thể phát triển khi vi khuẩn hoặc các vi sinh vật gây bệnh lây lan qua máu đến khớp. Cũng có khi khớp bị nhiễm trực tiếp vi sinh vật do chấn thương hoặc phẫu thuật.
Những loại vi khuẩn như Staphylococcus, Streptococcus, Neisseria gonorrhoeae… là tác nhân của hầu hết các trường hợp viêm ở khớp do nhiễm khuẩn cấp tính. Trong khi đó, vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis, Candida albicans gây nên bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn mạn tính.
Các yếu tố sau đây làm tăng nguy cơ gây bệnh:
- Một bệnh lý hoặc tổn thương khác ở khớp
- Cấy ghép khớp nhân tạo
- Nhiễm vi khuẩn ở những nơi khác trong cơ thể
- Sự hiện diện của vi khuẩn trong máu
- Bệnh mạn tính (chẳng hạn như đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp, bệnh hồng cầu hình liềm…)
- Tiêm tĩnh mạch (IV) hoặc tiêm chích ma túy
- Sử dụng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch
- Các tình trạng như HIV, làm suy yếu khả năng miễn dịch
4. Viêm Khớp Phản Ứng
Đây là bệnh lý không quá nguy hiểm, khiến người bệnh bị sưng và đau khớp do nhiễm trùng ở một bộ phận khác của cơ thể. Các bộ phận này thường là ruột, bộ phận sinh dục hoặc đường tiết niệu.
Khi bị viêm khớp phản ứng, bạn sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất ở vùng đầu gối, khớp cổ chân và bàn chân. Ngoài ra, tình trạng viêm còn ảnh hưởng đến mắt, da và niệu đạo.
So với những loại viêm khớp khác, căn bệnh này có tiên lượng rất khả quan. Nếu được điều trị đúng phác đồ, các dấu hiệu và triệu chứng bệnh sẽ biến mất trong vòng 12 tháng.
Nếu có một trong các yếu tố rủi ro dưới đây, bạn rất dễ bị viêm khớp phản ứng:
- Tuổi tác: Bệnh xảy ra phổ biến nhất ở các đối tượng trong độ tuổi từ 20 – 40.
- Giới tính: Phụ nữ và nam giới có khả năng bị viêm khớp phản ứng như nhau nếu tình trạng nhiễm trùng là do thực phẩm. Tuy nhiên, nam giới bị mắc bệnh do vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục nhiều hơn phụ nữ.
- Di truyền.
5. Viêm Cột Sống Dính Khớp
Viêm cột sống dính khớp là một bệnh viêm, khiến một số xương nhỏ trong cột sống hợp nhất lại với nhau. Quá trình này làm cho cột sống kém linh hoạt, dẫn đến tư thế gập người về phía trước. Không chỉ vậy, các cơ quan khác (chẳng hạn như mắt) cũng dễ bị viêm theo.
Các yếu tố nguy cơ của bệnh là:
- Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc bệnh viêm cột sống dính khớp cao hơn nữ giới.
- Tuổi tác: Các dấu hiệu khởi phát bệnh thường xảy ra ở cuối tuổi vị thành niên hoặc đầu tuổi trưởng thành.
- Di truyền: Các cuộc xét nghiệm cho thấy đa số các trường hợp viêm cột sống dính khớp đều mang trong mình gen HLA-B27. Tuy nhiên, nhiều trường hợp mang gen này lại không phát triển bệnh viêm cột sống dính khớp.
Không có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn cho bệnh viêm cột sống dính khớp, nhưng các phương pháp điều trị đúng đắn sẽ làm giảm triệu chứng cũng như làm chậm sự tiến triển của bệnh.
6. Gút
Gout là một bệnh về khớp xảy ra khi các tinh thể axit uric, hoặc urat monosodium, hình thành trong các mô và chất lỏng của cơ thể. Nguyên nhân là cơ thể tạo ra quá nhiều axit uric hoặc không bài tiết hết lượng axit uric dư thừa.
Bệnh gút gây ra những cơn đau dữ dội ở khớp. Đồng thời, vùng khớp đó trở nên đỏ, nóng và sưng lên.
Những đối tượng sau đây có nguy cơ cao bị gout:
- Thừa cân – béo phì
- Tăng huyết áp
- Lạm dụng rượu bia
- Sử dụng thuốc lợi tiểu
- Chế độ ăn nhiều thịt đỏ và hải sản
- Chức năng thận kém
7. Lupus Ban Đỏ Hệ Thống
SLE, thường gọi là lupus, là một bệnh tự miễn. Trong đó, hệ thống miễn dịch không thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cơ thể mà quay ra tấn công các mô khỏe mạnh, dẫn tới tình trạng viêm lan rộng và tổn thương mô. Căn bệnh này được đặc trưng bởi các giai đoạn bùng phát bệnh và sau đó thuyên giảm.
Lupus có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng khởi phát nhiều nhất là ở độ tuổi từ 15 – 45. Cứ một người đàn ông mắc bệnh lupus, sẽ có từ 4 – 12 phụ nữ bị bệnh này.
Lupus có khả năng ảnh hưởng đến khớp, da, não, phổi, thận, mạch máu và các mô khác. Triệu chứng bệnh bao gồm mệt mỏi, đau hoặc sưng khớp, phát ban trên da và sốt.
Nguyên nhân gây bệnh lupus vẫn chưa được xác định rõ ràng, song nó có thể liên quan đến yếu tố di truyền, môi trường và nội tiết tố.
8. Viêm Khớp Vảy Nến
Viêm khớp vảy nến là một vấn đề về khớp thường xảy ra với những bệnh nhân bị bệnh vảy nến (khoảng 6 – 42% bệnh nhân vảy nến bị bệnh này kèm theo).
Nguyên nhân chính xác của bệnh viêm khớp vảy nến vẫn chưa được xác định, nhưng dường như bệnh liên quan đến việc hệ thống miễn dịch quay sang tấn công các tế bào và mô khỏe mạnh. Chính phản ứng miễn dịch bất thường này là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm ở khớp và sản xuất quá mức các tế bào da.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp vảy nến là:
- Bị bệnh vảy nến mạn tính
- Di truyền
- Tuổi tác: Những người ở độ tuổi 30 – 50 có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
9. Đau Cơ Xơ Hóa
Đau cơ xơ hóa là bệnh lý thường khởi phát ở tuổi trung niên. Tuy nhiên, bệnh có thể gặp ở trẻ em. Một số triệu chứng thường gặp của bệnh là tình trạng đau lan rộng, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, phiền muộn, suy giảm nhận thức và trí nhớ. Ngoài ra, người bệnh còn có thể bị ngứa ran hoặc tê ở bàn tay, bàn chân, đau ở hàm và gặp phải các vấn đề về tiêu hóa.
Các yếu tố sau có liên quan chặt chẽ đến sự khởi phát của bệnh:
- Căng thẳng thường xuyên
- Rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD)
- Chấn thương do chuyển động lặp đi lặp lại
- Bị bệnh lupus, viêm khớp dạng thấp hoặc hội chứng mệt mỏi mạn tính
- Di truyền
- Thừa cân – béo phì
- Giới tính: Bệnh phổ biến ở phụ nữ hơn.
Ngoài ra, một số tình trạng viêm ở khớp có thể kể đến như: viêm đa khớp (tình trạng viêm xuất hiện ở nhiều khớp), viêm màng hoạt dịch, viêm khớp có biểu hiện viêm ruột,…