Viêm khớp cùng chậu xuất hiện ở cả nam lẫn nữ, nhưng số lượng nghiêng về phía nam giới nhiều hơn. Do triệu chứng không điển hình nên bệnh dễ gây nhầm lẫn với các bệnh khác của vùng cột sống thắt lưng. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây dính khớp, teo cơ mông và đùi… thậm chí là gây tàn phế.
1. Viêm Khớp Cùng Chậu Là Gì?
Viêm khớp cùng chậu là thuật ngữ Y khoa chỉ tình trạng viêm xảy ra tại vị trí nối giữa xương cùng và khung xương chậu ở vùng hông của cơ thể.
Trong đa số các trường hợp viêm khớp cùng chậu thường được nhận định như là một phần của tình trạng viêm cột sống. Theo đó, các bệnh lý thuộc nhóm này được gọi là “bệnh thoái hóa đốt sống”, bao gồm các tình trạng như viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vảy nến và viêm khớp phản ứng.
Ngoài ra, viêm khớp cùng chậu đôi khi cũng là một thuật ngữ được sử dụng thay thế cho thuật ngữ rối loạn chức năng khớp cùng chậu. Bởi lẽ, về mặt tiếp cận theo triệu chứng lâm sàng, cả hai tình trạng này đều bắt đầu bằng cơn đau bắt nguồn từ khớp cùng chậu tương tự nhau. Đồng thời, cả viêm khớp cùng chậu hay rối loạn chức năng khớp xương cùng cũng đều là nguyên nhân phổ biến của đau tại vùng thắt lưng cùng và đau lan xuống chân.
2. Các Nguyên Nhân Gây Ra Viêm Khớp Cùng Chậu Là Gì?
Tương tự như các loại viêm khớp khác, viêm khớp cùng chậu có các nhóm nguyên nhân sau:
2.1 Thoái hóa khớp
Tình trạng này là một trong các biểu hiện của sự thoái hóa tại các mô trong cơ thể theo thời gian. Đây là khi có sự phân hủy lớp sụn trong khớp, làm cho khớp bị sưng, đau và khó cử động. Trong khi đó, khớp cùng chậu lại là một khớp lớn, đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển trọng lượng phần cơ thể trên xuống hai chi. Chính áp lực cao như vậy luôn đặt trên hai khớp cùng chậu khi đi đứng, và cả khi ngồi, khớp rất dễ bị tổn thương do thoái hóa, hình thành các gai xương xung quanh khớp, dẫn đến đau và rối loạn chức năng.
2.2 Viêm khớp dạng thấp
Trong khi các triệu chứng ban đầu của bệnh viêm khớp dạng thấp thường ảnh hưởng đến các khớp nhỏ, chẳng hạn như khớp trên bàn tay và cổ tay, ở một số bệnh nhân lại mắc phải tại khớp cùng chậu. Lúc này, hệ thống miễn dịch tấn công vào khớp, dẫn đến viêm khớp. Lớp màng hoạt dịch dày lên bất thường, làm đau khớp, sưng và cứng khớp khi cử động.
2.3 Lupus ban đỏ hệ thống
Nhiều vùng trên cơ thể có thể bị ảnh hưởng bởi bệnh lupus, bao gồm da, máu, thận, não, các cơ quan khác và cũng như khớp, trong đó bao gồm cả khớp cùng chậu. Lúc này, các triệu chứng sưng đau tại vùng thắt lưng cần được nhận định như một tiêu chuẩn gợi ý đến chẩn đoán bệnh lý hệ thống này.
2.4 Viêm cột sống dính khớp
Dạng viêm khớp tự miễn dịch này gây viêm khớp, dây chằng và gân. Thông thường, đau khớp và dính khớp cột sống là những triệu chứng ban đầu của bệnh nhân viêm cột sống dính khớp, kể cả khớp cùng chậu. Tuy nhiên, có sự khác biệt so với các bệnh lý tự miễn dịch khác là viêm cột sống dính khớp thường ảnh hưởng đến nam giới với nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 đến 3 lần so với phụ nữ.
2.5 Viêm khớp vảy nến
Giống như viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vảy nến cũng là một bệnh tự miễn mãn tính và cũng có thể có biểu hiện tại khớp cùng chậu.
2.6 Bệnh gout và bệnh giả gout
Mặc dù vị trí phổ biến nhất của các cơn gout cấp là ngón chân cái, khớp xương cùng chậu một bên hay hai bên cũng có thể trở thành vị trí bị ảnh hưởng dù hiếm gặp. Cơ chế bệnh sinh là sự lắng đọng của các tinh thể cực nhỏ trong các mô mềm của khớp. Nếu là tinh thể axit uric, khớp sẽ bị sưng, đỏ và nóng, người bệnh sẽ được chẩn đoán là viêm khớp do gout. Ngược lại, nếu là tinh thể canxi thì đây là bệnh giả gout.
2.7 Viêm khớp phản ứng
Viêm khớp cùng chậu và/hoặc các phần khác của cột sống là một trong các triệu chứng phổ biến của viêm khớp phản ứng. Tình trạng này được kích hoạt bởi nhiễm trùng và trong hầu hết các trường hợp, nhiễm trùng thường đã khỏi vào thời điểm các triệu chứng viêm khớp phản ứng xuất hiện.
Ngoài các bệnh lý viêm khớp kể trên, viêm khớp cùng chậu còn có thể do các nguyên nhân là:
- Chấn thương, chẳng hạn như té ngã
- Kéo căng khớp quá mức do những hoạt động lặp đi lặp lại như nâng vật nặng, tập luyện thể chất cường độ cao kéo dài
- Ngồi hoặc đứng lâu, đặc biệt nếu cơ xương chậu và vùng lưng thấp yếu hay cấu trúc không ổn định
- Mang thai, dưới tác động của các nội tiết tố là tác nhân gây giãn dây chằng và mất tính ổn định
- Các thủ thuật tại khớp như hợp nhất cột sống thắt lưng
3.Các Triệu Chứng Của Viêm Khớp Cùng Chậu Như Thế Nào?
Các triệu chứng phổ biến nhất của tình trạng viêm khớp cùng chậu gồm có:
- Sốt
- Đau, thường là đau thắt lưng, đau chân (có thể ở phía trước đùi), đau hông và/hoặc đau vùng mông
- Đau nặng hơn khi ngồi lâu và tồi tệ hơn khi lăn mình trên giường
- Căng cứng ở vùng hông và lưng, đặc biệt là sau khi ra khỏi giường vào buổi sáng hoặc sau khi ngồi yên trong một thời gian dài
4. Làm Thế Nào Để Chẩn Đoán Viêm Khớp Cùng Chậu?
Bước đầu tiên trong chẩn đoán viêm khớp cùng chậu thường là khai thác bệnh sử kỹ lưỡng và khám chức năng khớp trên lâm sàng. Bác sĩ sẽ hỏi các câu hỏi để xác định xem có bất kỳ rối loạn tiềm ẩn nào có thể gây ra cơn đau tại vị trí này cho bệnh nhân hay không.
Một số dấu hiệu cũng có thể giúp phân biệt cơn đau đến từ các khớp cùng chậu, cột sống thắt lưng hoặc vùng hông. Theo đó, có nhiều xét nghiệm khác nhau giúp hỗ trợ bác sĩ thực hiện trong quá trình khám có thể giúp xác định nguồn gốc của cơn đau này.
Bước tiếp theo trong chẩn đoán viêm khớp cùng chậu thường là chụp một phim X-quang đơn giản vùng chậu hông. Hơn nữa, bệnh nhân cũng có thể được chụp X-quang cả đoạn cột sống thắt lưng tùy theo những gì bác sĩ phát hiện được trên bệnh sử và khám thực thể. Bên cạnh đó, chụp cắt lớp vi tính (CT) cũng có thể giúp chẩn đoán viêm khớp cùng chậu nhờ vào các đặc điểm chi tiết hơn về xương khớp.
5. Các Cách Điều Trị Viêm Khớp Cùng Chậu Là Gì?
Việc điều trị viêm khớp cùng chậu sẽ phụ thuộc vào các dấu hiệu và triệu chứng của người bệnh, cũng như những nguyên nhân gây ra bệnh. Theo đó, các biện pháp điều trị bao gồm:
5.1 Dùng thuốc
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra cơn đau trong viêm khớp cùng chậu, bác sĩ có thể chỉ định một nhóm hay phối hợp cùng lúc nhiều nhóm thuốc sau:
- Thuốc giảm đau.
- Thuốc giãn cơ, giúp giảm co thắt cơ liên quan đến khớp cùng chậu
- Thuốc ức chế TNF. Các chất ức chế yếu tố hoại tử khối u (TNF) – chẳng hạn như etanercept (Enbrel), adalimumab (Humira) và infliximab (Remicade) – thường giúp giảm viêm khớp cùng chậu có liên quan đến nguyên nhân là do viêm cột sống dính khớp.
5.2 Vật lý trị liệu
Bác sĩ hoặc các chuyên gia vật lý trị liệu có thể giúp người bệnh thực hiện các bài tập vận động và kéo giãn đa dạng để duy trì sự linh hoạt của khớp, đồng thời các bài tập tăng cường còn để làm ổn định các nhóm cơ quanh khớp cùng chậu hơn.
5.3 Phẫu thuật và các thủ thuật khác
Nếu các phương pháp nêu trên vẫn không làm thuyên giảm cơn đau, bác sĩ có thể đề nghị:
- Tiêm khớp: Corticosteroid có thể được tiêm vào khớp để giảm viêm và giảm đau.
- Giảm đau với tần số vô tuyến: Năng lượng từ tần số vô tuyến có thể làm tổn thương vĩnh viễn hay phá hủy một phần các mô thần kinh gây ra cơn đau.
- Kích thích điện: Cấy máy kích điện vào xương cùng có thể giúp giảm đau do viêm khớp cùng chậu.
- Phẫu thuật hợp nhất: Mặc dù phẫu thuật này hiếm khi được sử dụng để điều trị viêm khớp cùng chậu, việc hợp nhất hai xương với nhau bằng phần cứng kim loại đôi khi có thể làm giảm đau do các phản ứng viêm tại chỗ gây ra.
6. Các Biện Pháp Thay Đổi Lối Sống Và Điều Chỉnh Tại Nhà
Thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen, acetaminophen có thể giúp giảm đau do viêm khớp cùng chậu
Nghỉ ngơi, điều chỉnh hoặc tránh các hoạt động làm trầm trọng thêm cơn đau có thể giúp giảm sưng viêm ở khớp xương cùng. Trong đó, lựa chọn tư thế thích hợp trong sinh hoạt, lao động là một điều quan trọng.
Chườm lạnh và chườm nóng: Dùng nước đá và nhiệt độ cao chườm tại chỗ luân phiên nhau cũng có thể giúp giảm đau vùng xương cùng.
Tóm lại, viêm khớp cùng chậu gây ra các cơn đau khó chịu tại vùng thắt lưng và mông do phản ứng viêm từ tổn thương tự phát hoặc chấn thương khớp giữa cột sống và khung chậu gây ra. Vì cơn đau do viêm khớp cùng chậu có thể tương tự các tình trạng khác, việc chẩn đoán chính xác là rất quan trọng để xác định nguồn gốc của cơn đau cũng như xây dựng kế hoạch điều trị nhằm cải thiện triệu chứng cho người bệnh, hồi phục chức năng vận động của cơ thể.