Viêm khớp háng là căn bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi đối tượng do nhiều nguyên nhân khác nhau như chấn thương, nhiễm trùng, rối loạn miễn dịch… Bệnh tiến triển nặng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tàn phế suốt đời. Hiểu rõ được các triệu chứng của viêm khớp háng chính là chìa khóa giúp bạn phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời.
1.Bệnh Viêm Khớp Háng Là Gì?
Viêm khớp háng là hiện tượng tổn thương, sưng viêm ở khớp háng do xương sụn quanh khớp bị bào mòn. Khi gặp tình trạng này, các đầu xương sẽ cọ xát vào nhau khiến người bệnh đau đớn và gặp nhiều khó khăn khi vận động, đi lại.
Bệnh viêm khớp háng có thể phát triển sau một chấn thương ở khớp do tai nạn hoặc do ảnh hưởng của quá trình lão hóa, di truyền. Tỷ lệ nữ giới mắc bệnh nhiều hơn so với nam giới.
2.Nguyên Nhân Gây Viêm Khớp Háng
Sự khởi phát của bệnh viêm khớp háng có liên quan đến các yếu tố sau:
- Nhiễm trùng: Vi khuẩn, virus hay nấm có thể tấn công vào trong khớp háng gây nhiễm trùng, viêm sưng khớp.
- Chấn thương: Các chấn thương ở khớp háng do tai nạn xe cộ, chơi thể thao quá độ hoặc té ngã… nếu không được phát hiện và khắc phục đều có thể phát triển thành viêm.
- Do ảnh hưởng của quá trình lão hóa xương khớp: Hiện tượng này làm cho khớp bị khô, hoạt động không được trơn tru và dễ bị tổn thương, viêm nhiễm khi có yếu tố tác động.
- Tuổi tác: Bệnh viêm khớp háng nói riêng và viêm khớp nói chung thường ảnh hưởng nhiều nhất đến lứa tuổi trung niên.
- Công việc: Viêm khớp háng ảnh hưởng chủ yếu đến nhóm đối tượng lao động nặng nhọc, thường xuyên phải bưng bê vật nặng, đứng lâu, ngồi nhiều.
- Giới tính: Do ảnh hưởng của quá trình mang thai, sinh đẻ hay mãn tính, phụ nữ dễ bị viêm khớp háng hơn so với nam giới.
- Cân nặng: Thừa cân, béo phì làm tăng áp lực cho khớp háng, làm khớp bị tổn thương, viêm nhiễm.
3.Triệu Chứng Viêm Khớp Háng
Việc nhận biết được các triệu chứng của bệnh viêm khớp háng và tiến hành điều trị sớm có thể giúp giảm đau, ức chế sự phát triển của bệnh để bảo tồn được chức năng vận động của khớp háng.
Các dấu hiệu có thể gặp khi bị viêm khớp háng bao gồm:
-
Đau ở háng:
Đau là triệu chứng điển hình của bệnh viêm khớp háng. Bạn có thể cảm nhận được cơn đau nhức xuất hiện ở phía trước háng. Đôi khi cơn đau còn xuất hiện ở bên hông, mông hay mặt sau của đùi.
Cơn đau có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi ngồi xổm, chạy bộ, đứng lâu một chỗ hoặc thực hiện một số chuyển động như đi lên xuống cầu thang, ra vào xe hơi…
Nếu chỉ bị viêm khớp háng nhẹ, cơn đau thỉnh thoảng mới xuất hiện. Khi bệnh trở nên nghiêm trọng hơn thì tình trạng đau xảy ra với tính chất thường xuyên, dữ dội, đặc biệt là vào buổi sáng hoặc những lúc vận động.
-
Sưng đỏ khớp háng
Quan sát khớp háng, bạn sẽ thấy xung quanh khớp có biểu hiện sưng tấy, đỏ cả một vùng da. Chạm tay vào khớp bị viêm sẽ có cảm giác nóng ấm.
-
Khớp háng bị cứng
Khi bị viêm khớp háng, lớp sụn bên trong bị tổn thương, hao mòn khiến cho khớp không còn vận động một cách linh hoạt, trơn tru như trước. Hiện tượng cứng khớp thường xảy ra vào buổi sáng sau hoặc sau khi ngồi trong một thời gian dài. Nghỉ ngơi, xoa bóp một lúc, tình trạng cứng khớp háng thuyên giảm.
-
Giảm phạm vi chuyển động
Bình thường khớp háng có phạm vi chuyển động khá rộng. Tuy nhiên, tình trạng viêm có thể gây khó khăn ngay cả khi bạn thực hiện các cử động thông thường như dang rộng hai chân, hướng mũi chân vào trong, đá chân ra trước ra sau…
-
Đi lại khập khiễng:
Viêm khớp háng có thể khiến bạn bị đau đớn mỗi khi đi lại. Điều này buộc bạn phải di chuyển chậm lại và bước đi một cách khập khiễng để hạn chế những tác động lên khớp có thể khiến cơn đau trở nên tồi tệ.
Bạn có thể gặp các dấu hiệu khác không được liệt kê trên đây. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào không chắc chắn, hãy tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa.
Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ?
Nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời, bệnh viêm khớp kháng sẽ ngày càng tiến triển nặng hơn gây ảnh hưởng đến khả năng vận động cũng như đời sống sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, bạn nên tới bệnh viện thăm khám ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ để được bác sĩ chẩn đoán và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
4.Bệnh Viêm Khớp Háng Có Nguy Hiểm Không?
Về cơ bản, bệnh viêm khớp háng không đe dọa trực tiếp đến tính mạng song nếu để khớp bị viêm nghiêm trọng, bạn có thể phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Mất đi các chức năng hoạt động thông thường của khớp háng như đi lại, gấp háng, duỗi đùi…
- Suy yếu và teo các cơ xung quanh khớp háng
- Khớp háng bị biến dạng, đầu xương lệch hẳn ra ngoài ở khớp
- Dính khớp
- Bại liệt, tàn phế
5. Chuẩn Đoán Bệnh Viêm Khớp Háng
Để chẩn đoán viêm khớp háng, bác sĩ có thể áp dụng nhiều kỹ thuật y tế như:
– Khám thực thể:
Tại phòng khám, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn mô tả về các triệu chứng đang gặp phải, bao gồm cả thời gian chúng bắt đầu xuất hiện và mức độ nghiêm trọng. Ngoài ra, bác sĩ còn tiến hành kiểm tra bên ngoài khớp để tìm kiếm các dấu hiệu sưng, đau, đánh giá sức mạnh của cơ bắp cũng như phạm vi chuyển động của khớp háng.
– Chụp X-quang:
Hình ảnh trên phim chụp X-quang cho phép bác sĩ thấy rõ được tổn thương viêm trong ổ khớp và lớp sụn.
– Chụp CT:
Kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính sử dụng máy quét tia X cho ra những hình ảnh cắt ngang của cấu trúc xương ở khớp háng và mô xung quanh. Qua đó bác sĩ có thể đánh giá được mức độ nghiêm trọng của viêm khớp háng.
– Chụp MRI:
MRI hay còn gọi là chụp cộng hưởng từ giúp cung cấp những hình ảnh chi tiết về gân, sụn và hệ thống dây chằng quanh khớp gối giúp bác sĩ xác định chính xác vị trí tổn thương, mức độ viêm trong khớp háng.
– Xét nghiệm máu:
Số lượng bạch cầu trong máu tăng cao chứng tỏ bạn bị viêm khớp háng do nhiễm khuẩn.
6.Cách Điều Trị Viêm Khớp Háng
Phác đồ chữa viêm khớp háng sẽ được xây dựng dựa trên mức độ viêm của khớp. Bạn sẽ được điều trị bằng các phương pháp bảo tồn hoặc có thể phải phẫu thuật nếu khớp háng bị viêm nghiêm trọng.
6.1 Cách trị viêm khớp háng bằng nội khoa
Điều trị nội khoa bao gồm nhiều phương pháp khác nhau được áp dụng để bảo tồn chức năng vận động của khớp háng, chẳng hạn như dùng thuốc, vật lý trị liệu, vận động…
– Sử dụng thuốc điều trị viêm khớp háng:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Nhóm thuốc này được bán sẵn dưới dạng kê đơn hoặc không kê đơn. Thuốc vừa có tác dụng giảm đau, vừa giúp ức chế phản ứng viêm tại khớp háng. Các thuốc NSAID được chỉ định phổ biến nhất là Naproxen hoặc Ibuprofen.
- Corticosteroid: Các thuốc chứa Corticosteroid có tác dụng chống viêm mạnh. Thuốc được sử dụng theo đường uống, tiêm hay dưới dạng kem bôi ngoài da. Do có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, Corticosteroid chỉ được sử dụng cho những bệnh nhân bị viêm khớp háng nặng trong một đợt điều trị ngắn hạn.
- Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARDs): Thuốc tác động đến hệ miễn dịch để làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Các loại thuốc DMARDs thường được bác sĩ kê đơn bao gồm Methotrexate hoặc Sulfasalazine.
- Thuốc kháng sinh: Bệnh nhân bị viêm khớp háng do nhiễm khuẩn sẽ được điều trị bằng phác đồ kháng sinh kết hợp với các thuốc điều trị khác.
Các loại thuốc chữa viêm khớp háng trong tây y đều có thể gây ra tác dụng phụ nếu sử dụng bừa bãi. Bạn cần tuân thủ dùng thuốc theo đơn và tái khám đều đặn khi được bác sĩ chỉ định để theo dõi được hiệu quả sử dụng thuốc. Bác sĩ có thể chỉ định hướng điều trị nếu cần thiết.
– Vật lý trị liệu chữa bệnh viêm khớp háng:
Phương pháp vật lý trị liệu có thể được chỉ định phối hợp với thuốc để đẩy nhanh hiệu quả điều trị, giúp làm tăng phạm vi chuyển động của khớp háng. Ngoài ra, vật lý trị liệu cũng có tác dụng tích cực trong việc giảm đau, chống sưng viêm, tăng cường sức mạnh cho các cơ bắp hỗ trợ khớp háng.
Với phương pháp này, bạn cần đến sự trợ giúp của một chuyên gia vật lý trị liệu. Nhiều phương pháp có thể được tiến hành để cải thiện các triệu chứng viêm khớp kháng, chẳng hạn như chiếu hồng ngoại, đắp parafin, điện trị liệu, siêu âm trị liệu, sóng xung kích, châm cứu…
– Các biện pháp hỗ trợ điều trị bệnh viêm khớp háng tại nhà
Trong nhiều trường hợp, các dấu hiệu của bệnh viêm khớp háng có thể được giảm nhẹ nhờ vào việc điều chỉnh lối sống và một số mẹo hỗ trợ tự nhiên như:
- Giảm cân: Nếu bạn bị béo phì, việc giảm cân sẽ giúp giải phóng áp lực lên khớp háng. Điều này có thể giúp cải thiện khả năng vận động của khớp, hạn chế được những cơn đau và chấn thương lên khớp háng.
- Tập thể dục: Duy trì thói quen tập thể dục mỗi ngày sẽ giúp duy trì khả năng vận động linh hoạt của khớp háng, cải thiện triệu chứng cứng khớp vào buổi sáng. Các bộ môn như bơi lội, tập yoga, đi bộ hay tập thể dục dưỡng sinh là những hoạt động thể chất lý tưởng cho bạn nếu đang bị viêm khớp háng.
- Chườm nóng hoặc chườm lạnh: Chườm túi nước đá, bọc muối nóng hay túi đựng nước nóng lên khớp háng bị viêm là một cách đơn giản để bạn đối phó với cơn đau do viêm khớp háng, hạn chế được sự lệ thuộc vào thuốc giảm đau.
- Các thiết bị hỗ trợ: Để thuận tiện cho việc đi lại và thực hiện các công việc hàng ngày bạn có thể sử dụng gậy hay xe tập đi để hỗ trợ. Nếu cần thiết, hãy mang nẹp cố định để tránh những tác động xấu lên khớp háng, giúp khớp bị viêm nhanh bình phục.
- Tránh các hoạt động gây căng thẳng cho khớp háng: Chẳng hạn như ngồi xổm, bưng bê vật nặng, đứng lâu, xoay chân hay đá chân một cách đột ngột.
6.2 Phẫu thuật điều trị viêm khớp háng
Nếu viêm khớp háng gây đau nghiêm trọng và không đáp ứng được với các phương pháp điều trị bảo tồn, bác sĩ có thể đề nghị cho bạn làm phẫu thuật. Loại phẫu thuật được lựa chọn sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như tuổi tác, mức độ viêm của khớp, các bệnh lý liên quan.
Các loại phẫu thuật được áp dụng phổ biến nhất trong điều trị viêm khớp háng là thay khớp háng toàn phần và phẫu thuật nội soi cắt bỏ khớp.
– Phẫu thuật thay khớp háng toàn phần:
Với phương pháp này, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ phần xương cũng như lớp sụn bị hư hỏng và thay thế bằng một khớp nhân tạo được làm từ kim loại hay nhựa để khôi phục chức năng của khớp, giảm đau và cải thiện phạm vi chuyển động. Các trường hợp bị hư hại khớp nặng hoặc bị viêm khớp dạng thấp thường được chỉ định phẫu thuật thay khớp háng toàn phần.
– Phẫu thuật nội soi:
Sau khi gây mê, bác sĩ sẽ rạch một số đường nhỏ bên ngoài da và đưa dụng cụ nội soi vào bên trong tiếp cận với khu vực bị tổn thương. Một phần hoặc toàn bộ lớp lót bị hư hại bên trong khớp háng sẽ được cắt bỏ..
Phương pháp này cho hiệu quả tốt đối với các trường hợp tổn thương viêm chỉ giới hạn ở lớp lót khớp, chưa ảnh hưởng đến lớp sụn bao phủ quanh các đầu xương.
Trước khi tiến hành phẫu thuật, bác sĩ sẽ thảo luận với bạn về phương pháp được lựa chọn, rủi ro và kết quả mong đợi. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, đừng ngần ngại trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
Biến chứng có thể gặp khi làm phẫu thuật:
Các biến chứng có thể xảy ra trong bất kỳ ca phẫu thuật nào nhưng bác sĩ sẽ cố gắng thực hiện những bước cần thiết để giảm thiểu rủi ro cho bạn. Sau phẫu thuật chữa viêm khớp háng, bạn có thể gặp phải những biến chứng sau:
- Nhiễm trùng vết mổ
- Mất nhiều máu
- Hình thành cục máu đông ở khớp
- Tổn thương xảy ra ở mạch máu hoặc động mạch
- Đau kéo dài
- Trật khớp háng trong trường hợp được thay khớp toàn phần
- Không có sự cân xứng về chiều dài của hai chân
Phục hồi sau phẫu thuật
Thời gian để một cá nhân phục hồi hoàn toàn sau phẫu thuật điều trị viêm khớp háng và có thể trở lại tiếp tục với các hoạt động hàng ngày phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Thể trạng, sức khỏe chung của người bệnh
- Loại phẫu thuật được thực hiện
- Chế độ chăm sóc tại nhà
Trong những ngày đầu sau phẫu thuật, bạn nên nghỉ ngơi tại chỗ, hạn chế vận động đi lại. Sau đó có thể sử dụng gậy, nạng hay xe tập đi để hỗ trợ kết hợp tập luyện, làm vật lý trị liệu và duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp theo hướng dẫn của bác sĩ để nhanh chóng phục hồi sức mạnh cho cơ bắp cũng như chức năng vận động của khớp háng bị viêm.