Viêm khớp cổ tay gây ra tình trạng đau, nhức, mỏi ở vùng cổ tay. Nguyên nhân có thể do tổn thương sụn, xương dưới sụn, màng hoạt dịch khớp cổ tay, hay phần mềm quanh khớp như bao gân, dây chằng… do thoái hóa, bệnh lý tự miễn, nhóm bệnh chuyển hóa, hoặc sau chấn thương.
1.Viêm Khớp Cổ Tay Là Gì?
Viêm khớp cổ tay là tình trạng tổn thương các bộ phận cấu thành khớp như mô sụn, đầu xương, dây thần kinh, màng bao hoạt dịch, dây chằng… Từ đó kích thích phản ứng viêm mô mềm xung quanh và dẫn tới triệu chứng đau nhức, ê mỏi, tê cứng, sưng nóng ở cổ tay. Đây là bệnh lý về xương khớp thường gặp ở bất kỳ độ tuổi nào.
Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của bệnh:
- Cứng khớp
- Mất sức, yếu khớp
- Sưng
- Phạm vi chuyển động của khớp bị hạn chế
- Phát ra âm thanh khi cử động
Có 4 loại viêm khớp có khả năng ảnh hưởng lên khớp cổ tay là:
- Viêm xương khớp: phát triển viêm do lớp sụn tự nhiên bị mài mòn theo thời gian
- Viêm khớp dạng thấp: một rối loạn tự miễn khi hệ miễn dịch tự tấn công các mô của cơ thể
- Viêm khớp vẩy nến: tình trạng viêm da và khớp
- Viêm khớp sau chấn thương: xảy ra sau khi bị chấn thương cổ tay
Những người viêm khớp dạng thấp sẽ có khả năng cao bị viêm khớp cổ tay. Lâu ngày, tình trạng viêm khớp khiến bạn khó uốn cong được cổ tay, cản trở thực hiện công việc hay hoạt động thường ngày.
2. Nguyên Nhân Gây Viêm Khớp Cổ Tay
Nguyên nhân chính của bệnh viêm khớp thường do độ tuổi. Theo thời gian, các cơ quan trong cơ thể bị lão hóa dần và sụn khớp cũng không ngoại lệ. Khi sụn khớp bị lão hóa, tình trạng viêm nhiễm khiến sụn bị hao mòn, gây ra hiện tượng sưng khớp cổ tay.
Bên cạnh đó, có những lý do phổ biến khiến bạn có nguy cơ mắc phải tình trạng này:
- Chấn thương:Các chấn thương do va chạm mạnh ở ngoài như tai nạn giao thông, tai nạn lao động… sẽ tác động và khiến cho khớp cổ tay chịu áp lực lớn. Từ đó dẫn đến viêm khớp, trật khớp, làm cho lực cổ tay bị sưng. Ngoài ra, các chấn thương còn có thể có cách ảnh hưởng khác, gây đau nhức gân tay hoặc đau nhức mu bàn tay.
- Mất ổn định cổ tay: Tình trạng này xảy ra sau chấn thương dây chằng nhỏ và xương ở cổ tay (xương ống tay và dây chằng ống cổ tay). Khi các cấu trúc này bị tổn thương, chuyển động bình thường sẽ bị ảnh hưởng dẫn đến mài mòn sụn ở khớp cổ tay.
- Hội chứng ống cổ tay: Xuất hiện ở những người ở độ tuổi 40. Lúc này, cổ tay và bàn tay gặp phải những rối loạn tiết dịch ở quanh dây thần kinh cổ tay. Tình trạng này khiến tay bị đau nhức, viêm, sưng, tê cứng…
- Di truyền: Nếu người thân trong gia đình có tiền sử về bệnh xương khớp thì bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những đối tượng khác.
- Viêm khớp dạng thấp: Viêm khớp dạng thấp là một bệnh hệ thống, tức là bệnh có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Tình trạng viêm nghiêm trọng ở khớp có thể phá hủy xương và sụn bình thường.
3.Các Triệu Chứng Viêm Khớp Cổ Tay
Không phải ai bị viêm khớp cũng sẽ có những triệu chứng giống nhau, tất cả phụ thuộc vào loại viêm khớp và mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm.
3.1 Viêm khớp nhẹ
Với các triệu chứng nhẹ, bạn sẽ khó có thể mô tả chính xác cảm giác xuất hiện ở cổ tay cho bác sĩ đánh giá. Đó có khi chỉ là cảm giác bất thường nằm sâu trong cổ tay hoặc đơn giản là cảm thấy đau ở cổ tay khi:
- Xoay tay nắm cửa
- Cầm vợt tennis, cầu lông hay đánh golf
- Vặn nắp bình nước
Những người bị viêm khớp nhẹ cũng thường bị cứng cổ tay vào buổi sáng. Sau khi nghỉ ngơi, bạn có thể cảm thấy đỡ hơn nhưng cơn đau lại xuất hiện vào ban đêm. Các hoạt động cũng khiến cơn đau “đến và đi” nhiều lần trong ngày.
3.2 Viêm khớp vừa
Khi bị viêm khớp không quá nặng, bạn có thể cảm thấy đau nhói ở nhiều lúc. Các cử động có khi bị hạn chế và hoạt động thường ngày cũng khó thực hiện hơn. Thậm chí, bạn có khi cảm thấy đau trong khi nghỉ ngơi.
Những dấu hiệu do viêm khớp gây ra cũng rõ ràng hơn. Cổ tay trở nên sưng tấy và khi chạm vào thấy mềm. Chụp X-quang có thể không thấy được khoảng không gian bình thường có trong khớp cổ tay.
3.3 Viêm khớp nặng
Nếu bị viêm khớp nặng, bạn hầu như không thực hiện được các hoạt động dùng đến sức từ bàn tay. Đối với các trường hợp nghiêm trọng và mạn tính, những cơn đau bùng phát vẫn không giảm bớt sau khi nghỉ ngơi.
Hơn thể nữa, phạm vi cử động của khớp cổ tay cũng sẽ bị hạn chế và có khi hình dạng khớp cổ tay sẽ biến dạng khi các mô đã mòn. Bạn thậm chí không muốn ai đụng vào cổ tay của mình.
Viêm khớp nặng gây ra rất nhiều đau đớn, sẽ cần đến các thuốc giảm đau, kháng viêm theo chỉ định từ bác sĩ để kiểm soát được tình trạng bệnh. Cơn đau cũng có khả năng gây ra lo âu và trầm cảm cho người bệnh, khó tập trung vào những hoạt động khác.
4.Điều Trị Và Phục Hồi
Hiện nay, viêm khớp cổ tay có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau. Nhằm nâng cao hiệu quả tốt nhất có thể, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị cho từng trường hợp dựa trên nguyên nhân gây bệnh, mức độ nặng của bệnh, bệnh lý phối hợp và tuổi tác, công việc của người bệnh.
4.1 Thuốc chống viêm và các loại thuốc điều trị nguyên nhân
- Thuốc kháng viêm: các thuốc giảm đau, chống viêm không chứa steroid (NSAIDs) là loại thuốc được sử dụng khá phổ biến để điều trị tình trạng này.
- Ngoài ra, tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây đau khớp cổ tay mà bác sĩ sẽ chỉ định các nhóm thuốc tác động vào cơ chế bệnh sinh của bệnh giúp điều trị triệt để bệnh và tránh tái phát.
- Tuy sử dụng thuốc là phương pháp ưu tiên nhưng không nên lạm dụng thuốc quá mức hoặc dùng không đúng cách có thể gây ra nhiều tác dụng phụ và biến chứng nguy hiểm. Vì thế, cần tham vấn y khoa trước khi sử dụng, đồng thời phải tuân thủ tuyệt đối các chỉ định về thuốc và liều dùng.
4.2 Tiêm tại chỗ
Nếu các triệu chứng của bạn ở mức độ trung bình hoặc nghiêm trọng, bác sĩ có thể cho bạn tiêm thuốc chống viêm tại chỗ. Các mũi tiêm có tác dụng chống viêm, giảm bớt và cải thiện các triệu chứng viêm tạm thời.
Ngoài ra, trong một số trường hợp viêm khớp hoặc viêm phần mềm quanh khớp mạn tính, bác sĩ có thể sử dụng một số biện pháp tiêm tại chỗ mới như tiêm huyết tương giàu tiểu cầu hay tiêm collagen giúp đem lại hiệu quả tối ưu và lâu dài.
4.3 Vật lý trị liệu
Các kỹ thuật vật lý trị liệu cần được thực hiện phối hợp với dùng thuốc để kiểm soát cơn đau, phục hồi chức năng khớp cổ tay, đồng thời ngăn ngừa quá trình thoái hóa mô sụn.
Trong điều trị viêm khớp cổ tay, các kỹ thuật vật lý trị liệu được áp dụng bao gồm:
- Mang nẹp: Với chức năng cố định ổ khớp, giảm tác động cơ học và áp lực lên vùng cổ tay, nẹp có thể giúp người bệnh giảm đau nhức, tê cứng, sưng viêm. Đồng thời, nẹp đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phục hồi tổn thương ở ổ khớp.
- Chườm lạnh: Khi cổ tay có dấu hiệu sưng nóng, phù nề do chấn thương, cách tốt nhất trong trường hợp này chính là chườm túi đá lên khớp trong khoảng thời gian từ 10 – 15 phút. Khi chườm lạnh, nhiệt độ từ túi chườm giúp co mạch máu, giảm viêm và giảm đau nhức rõ rệt ở khu vực ổ khớp.
- Thực hiện các bài tập: Người bệnh có thể thực hiện các bài tập dành riêng cho vùng cổ tay và ngón tay theo đề nghị của bác sĩ. Cách làm này nhằm giảm sự chèn ép lên dây thần kinh, cải thiện khả năng vận động và hỗ trợ làm chậm quá trình lão hóa và tiến triển của bệnh xương khớp mãn tính.
4.4 Phẫu thuật
Khi bệnh viêm khớp cổ tay ở mức độ nặng, các cách điều trị bảo tồn không thể đáp ứng thì trong trường hợp này, bác sĩ có thể đề nghị phương án phẫu thuật. Bác sĩ có thể chỉ định một số kỹ thuật ngoại khoa tùy vào nguyên nhân gây tổn thương khớp cổ tay như:
- Cắt bỏ gai xương
- Bó bột khớp cổ tay nếu chấn thương dẫn đến đứt dây chằng hoặc nứt xương
- Phẫu thuật giải áp hội chứng ống cổ tay, viêm gân dạng dài – duỗi ngắn ngón cái
- Phẫu thuật loại bỏ hạt tophi trong trường hợp bị gout
- Trong trường hợp khớp bị tổn thương nặng, giải pháp bác sĩ đưa ra có thể là thay thế cơ quan tổn thương bằng các vật liệu nhân tạo.
Nhìn chung, phẫu thuật đem lại hiệu quả rõ rệt hơn so với điều trị bảo tồn. Chỉ nên thực hiện phẫu thuật khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa vì can thiệp ngoại khoa tiềm ẩn biến chứng, rủi ro.
5.Cách Phòng Tránh Bệnh Viêm Khớp Cổ Tay
Nếu người bệnh tiếp tục duy trì các thói quen xấu, bệnh này có thể tiến triển nặng hoặc tái phát nhiều lần. Bên cạnh các biện pháp điều trị, người bệnh nên tuân thủ lối sống khoa học nhằm duy trì hệ xương khỏe mạnh, đồng thời hỗ trợ làm chậm quá trình thoái hóa.
- Hạn chế tập thể thao với các môn tác động trực tiếp đến cổ tay như đánh cầu lông, tennis…
- Khuyến khích tập luyện thể thao với các môn có cường độ vận động nhẹ như bơi lội, đi bộ, yoga để tránh gây kích thích, tổn thương ổ khớp.
- Tạo thói quen nghỉ từ 5 – 10 phút sau mỗi giờ đánh máy, vẽ hoặc may vá…
- Bỏ thói quen uống rượu bia, dùng thuốc lá. Trong bữa ăn hàng ngày cần điều chỉnh hàm lượng đạm phù hợp. Đặc biệt nên chú ý uống đủ nước, bổ sung nhiều rau xanh, trái cây… giúp ổn định nồng độ axit uric trong máu, duy trì hệ xương khỏe mạnh.
- Hết sức thận trọng khi tham gia giao thông, chơi thể thao, sinh hoạt thường ngày nhằm giảm nguy cơ chấn thương khớp cổ tay.
- Hạn chế mang vác vật nặng, nguyên nhân phổ biến gây tổn thương khớp cổ tay. Khi cần di chuyển đồ đạc, vật có trọng lượng nặng, nên cẩn thận dùng các loại dụng cụ hỗ trợ.
6.Cách Chăm Sóc Tại Nhà Khi Bị Viêm Khớp Cổ Tay
Những người bị tình trạng viêm ở khớp cổ tay rất cần sự chữa trị và chăm sóc của người thân. Ngoài các phương pháp điều trị, người bệnh cần chú ý được bổ sung thêm các thực phẩm giúp giảm đau nhức nhanh chóng như:
- Các thực phẩm chứa nhiều omega 3, vitamin D như cá ngừ, cá hồi, cá cơm…
- Các món ăn được chế biến từ xương ống, xương sườn động vật giúp bổ sung một lượng lớn glucosamine, canxi, chondroitin giúp hệ xương chắc khỏe.
- Tăng cường ăn các loại rau xanh, các loại hạt, ngũ cốc, trái cây… để bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất.
- Giúp người bệnh tập luyện, uống thuốc, điều trị đúng phác đồ của bác sĩ để bệnh khớp cổ tay bị viêm được cải thiện nhanh chóng, hiệu quả.
- Thay đổi lối sống: hạn chế mang vác vật nặng, tránh các chấn thương tái diễn tại cổ tay để tránh bệnh tái phát.