Theo WHO, thoái hóa khớp là bệnh lý xương khớp phổ biến với 20% thế giới, tại Việt Nam là 11.41%. Những vấn đề xoay quanh bệnh thoái hóa khớp như bệnh có nguy hiểm không? Có giải quyết dứt điểm được không? Và đâu là cách điều trị an toàn, hiệu quả tránh biến chứng?
1.Thoái Hóa Xương Khớp Là Bệnh Gì?
Thoái hóa xương khớp (thuật ngữ tiếng Anh: Osteoarthritis hoặc Degenerative arthritis) là tình trạng tổn thương sụn khớp và tổ chức xương dưới sụn, kèm theo phản ứng viêm, giảm dịch nhầy bôi trơn tại các khớp.
Bình thường, sụn khớp là một mô cứng chắc và trơn láng, cho phép khớp chuyển động trơn tru, không bị ma sát. Tuy nhiên, khi thoái hóa khớp xảy ra thì bề mặt trơn của sụn trở nên thô ráp, sần sùi. Nếu sụn bị hao mòn hoàn toàn, phần xương bắt đầu cọ xát vào nhau, từ đó gây ra tình trạng đau nhức, sưng tấy và cản trở khả năng vận động.
Tình trạng thoái hóa phổ biến là thoái hóa khớp gối, thoái hóa cột sống, thoái hóa khớp háng hoặc thoái hóa khớp ngón tay, ngón chân. Trong đó, thoái hóa khớp gối chiếm tỷ lệ cao nhất.
2. Nguyên Nhân Nào Gây Thoái Hóa Khớp?
2.1. Do tuổi tác
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thoái hóa xương khớp là một trong những nguyên nhân gây tàn tật phổ biến nhất ở người cao tuổi. Ước tính trên thế giới hiện nay, khoảng 9,6% nam giới và 18% nữ giới từ 60 tuổi trở lên, đang đối mặt với tình trạng thoái hóa khớp.
Nguyên nhân được xác định là do quá trình lão hóa tự nhiên theo tuổi tác. Tuổi càng cao thì các tế bào sụn trong cơ thể càng suy giảm chức năng tổng hợp các hoạt chất tạo nên sợi Collagen và Mucopolysaccharide, dẫn đến sụn khớp kém đàn hồi, lâu ngày trở nên thoái hóa.
2.2. Do thói quen sinh hoạt và ăn uống không đúng cách
Thừa cân, béo phì: Cân nặng vượt mức khiến khớp cột sống và chi dưới chịu áp lực từ tải trọng của cơ thể, dẫn đến xương khớp nhanh chóng bị thoái hóa.
Chấn thương đột ngột: Chấn thương thể thao, tai nạn giao thông hoặc tai nạn lao động là những tác nhân gây tổn thương và phá hủy sụn khớp.
Hoạt động lặp đi lặp lại: Các công việc mang tính lặp đi lặp lại, đòi hỏi phải ngồi lâu như nhân viên văn phòng là đối tượng nhanh bị thoái hóa khớp. Ngoài ra các tư thế như ngồi xổm, leo cầu thang hoặc đi bộ hơn một giờ trong ngày cũng là nguyên nhân khiến sụn khớp hoạt động quá tải, dễ bị tổn thương.
Mang giày cao gót: Nữ giới là đối tượng có nguy cơ mắc thoái hóa xương khớp cao và mức độ bệnh thường nặng hơn so với nam giới. Lý do là nhiều chị em có thói quen mang giày cao gót thường xuyên để tôn dáng. Tuy nhiên phái đẹp quên rằng giày cao gót thực sự là “kẻ thù” của xương khớp. Đi giày cao gót quá nhiều có thể làm lệch trọng tâm cơ thể, gây áp lực lên các khớp, gân cơ và dây chằng. Theo thời gian, phụ nữ dễ bị đau bàn chân, cổ chân, khớp gối, đau háng và thoái hóa cột sống thắt lưng.
Ngoài ra, thoái hóa khớp còn xuất phát từ yếu tố nguy cơ như dị tật cấu trúc bẩm sinh (chân vòng kiềng, chân chữ bát, bàn chân bẹt), sụn khớp bị biến dạng và lệch trục, hoặc do yếu tố di truyền khi trong gia đình có người từng mắc thoái hóa xương khớp.
3. Triệu Chứng Của Thoái Hóa Xương Khớp
Nếu nhận thấy cơ thể xuất hiện 4 dấu hiệu bất thường dưới đây, bạn nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời:
Đau khớp: Triệu chứng điển hình của thoái hóa xương khớp là cơn đau nhức khó chịu, âm ỉ trong vài tuần. Cơn đau tăng khi vận động và di chuyển, thuyên giảm khi nghỉ ngơi.
Cứng khớp: Tình trạng cứng khớp xảy ra vào buổi sáng sau khi ngủ dậy, đồng thời ảnh hưởng đến cử động của cơ thể, khiến người bệnh khó thực hiện các động tác xoay cổ, đứng lên ngồi xuống, lên xuống cầu thang, gấp cổ tay hoặc duỗi tay sang đối diện.
Tiếng động lạo xạo khi cử động khớp: Khi mức độ thoái hóa trở nên nghiêm trọng, vùng khớp bị nóng và sưng lên. Về lâu dài, khớp hư nặng, sụn bị mòn, gai xương mọc nhiều, dẫn đến giảm độ nhờn trong khớp, gây ra tiếng động lạo xạo khi di chuyển. Nếu không chữa trị sớm có thể khiến khớp xương bị biến dạng, teo lại và thậm chí bại liệt.
Xương chà sát vào nhau: Khi sụn khớp bị phá hủy hoàn toàn, các đốt xương bắt đầu cọ xát vào nhau. Điều này khiến một số mảnh xương bị vỡ, có thể cảm nhận dưới dạng khối cứng nằm rải rác xung quanh vùng khớp bị thoái hóa.
4.Thoái Hóa Khớp Có Thể Chữa Khỏi Không?
Thoái hóa xương khớp là căn bệnh mãn tính, không thể chữa trị hoàn toàn. Tuy nhiên, chúng ta có thể ngăn chặn, làm chậm tiến trình thoái hóa và xoa dịu cơn đau bằng cách chủ động đi khám sớm.
Lúc này, bác sĩ khai thác tiền sử bệnh lý, khám lâm sàng vùng khớp, kết hợp với các kết quả chẩn đoán hình ảnh (chụp X-quang, chụp CT, chụp MRI) nhằm phát hiện yếu tố nguy cơ gây thoái hóa khớp như tình trạng hẹp khe khớp, gai xương mọc rìa khớp (gai mâm chày, gai cột sống), từ đó đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả.
5.Phải Làm Gì Khi Nghi Ngờ Mắc Bệnh?
Khi bản thân hoặc người nhà xuất hiện các dấu hiệu thoái hóa khớp như mô tả, hãy nhanh chóng tới các bệnh viện có chuyên khoa Cơ xương khớp để thăm khám cùng bác sĩ chuyên môn. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra lâm sàng, kết hợp các phương pháp cận lâm sàng như điện tâm đồ, chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ, siêu âm khớp, nội soi khớp…để xác định chẩn đoán và đưa ra biện pháp điều trị phù hợp với từng mức độ bệnh.
Ngoài ra, để phòng ngừa và hỗ trợ hiệu quả cho việc điều trị thoái hóa khớp gối, bạn nên tham khảo một số lời khuyên sau đây:
- Thường xuyên tập luyện đúng cách như đi bộ, đạp xe, bơi lội. Tránh các môn vận động mạnh, quá sức.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất, giàu canxi và khoáng chất. Hạn chế rượu bia, chất kích thích, đồ dầu mỡ tăng cân.
- Kiểm soát cân nặng tốt, tránh tăng cân.
- Thay đổi tư thế sau mỗi 30 phút để tránh làm cơ khớp bị mỏi.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Trên đây là những kiến thức cơ bản nhất về căn bệnh thoái hóa khớp gối, nguy cơ sức khỏe nếu mắc căn bệnh này. Khi nhận thấy dấu hiệu bất thường ở khớp gối xảy ra, chúng ta nên sớm đi gặp bác sĩ để chẩn đoán và nhận phác đồ điều trị phù hợp.