Thoái hóa khớp gối là một trong những dạng viêm khớp phổ biến nhất. Bệnh tiến triển qua nhiều giai đoạn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. Trước đây, bệnh thường tấn công người già, nhưng nhịp sống bận rộn cùng lối sống kém khoa học ngày nay khiến bệnh có xu hướng ngày càng trẻ hóa.
1. Thoái Hóa Khớp Gối Là Gì?
Thoái hóa khớp gối là hiện tượng xảy ra những thương tổn trên bề mặt sụn khớp. Theo thời gian, sụn khớp bị bào mòn, trở nên xù xì và mỏng, mất tính đàn hồi, không bảo vệ được đầu xương. Sau đó xảy ra những biến đổi ở bề mặt khớp, tăng sự lắng đọng canxi hình thành các gai xương, cuối cùng dẫn đến các biến dạng khớp và làm hư khớp.
Khớp gối có vị trí tiếp giáp giữa ba xương: đầu dưới của xương đùi, đầu trên của xương chày và mặt sau của xương bánh chè, được che phủ bởi sụn khớp. Khớp gối có vai trò rất quan trọng, gánh toàn bộ cơ thể và là khớp vận động nhiều nhất, do đó nó rất dễ bị thoái hóa.
2. Dấu Hiệu Nhận Biết Thoái Hóa Khớp Gối
Để chẩn đoán thoái hóa khớp gối, bác sĩ cần theo dõi diễn biến của bệnh, thăm khám khớp gối và toàn thân. Dưới đây là triệu chứng của 3 giai đoạn thoái hóa khớp gối:
2.1. Giai đoạn khởi phát
Giai đoạn này thoái hóa mới diễn ra, sụn có thể bị tổn thương nhẹ và khoảng cách giữa các xương không có sự thu hẹp rõ ràng. Lúc này, người bệnh thường có cơn đau ở mặt trước và trong khớp gối, nghe tiếng lụp cụp hoặc lạo xạo khi gấp duỗi. Tuy nhiên cơn đau thoáng qua và biểu hiện mơ hồ nên người bệnh không để ý.
2.2. Giai đoạn giữa
Người bệnh đau tăng khi vận động, đặc biệt khi chuyển từ tư thế ngồi sang đứng, đi lại, lên xuống cầu thang, cơn đau giảm lúc nghỉ ngơi. Có hiện tượng cứng khớp buổi sáng kéo dài trong 30 phút hoặc ít hơn. Hầu như người bệnh không đi khám ngay mà chỉ dùng thuốc kháng viêm, giảm đau.
2.3. Giai đoạn thương tổn
Đây là giai đoạn bệnh đã trong tình trạng nghiêm trọng, khoảng cách giữa các xương giảm dần khiến sụn bị vỡ thêm, chất dịch tiết ra rất ít và các xương va chạm vào nhau. Điều này khiến người bệnh đứng lên ngồi xuống cực kỳ khó khăn, không thể lên cầu thang do mức độ khô khớp nặng. Tiếng kêu cọt kẹt, rột roạt trong khớp càng lớn.
3.Biến Chứng Nguy Hiểm Của Thoái Hóa Khớp Gối
Thoái hóa khớp gối gây nên những khó chịu cho người bệnh. Khi tình trạng bệnh nặng thêm sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm hơn như:
- Đi lại khó khăn, khả năng vận động suy giảm.
- Khớp gối biến dạng, chi dưới bị cong, vẹo vào trong hoặc ra ngoài.
- Cứng khớp, teo cơ.
- Chứng vôi hóa sụn khớp.
- Tàn phế, bại liệt.
Mặt khác, thoái hóa khớp gối còn khiến người bệnh lo âu hay trầm cảm, gây ảnh hưởng đến đời sống thường ngày:
Năng suất làm việc giảm: Thoái hóa khớp gối gây đau nhức và cản trở khả năng vận động. Từ đó khiến người bệnh không tập trung làm việc được.
Rối loạn giấc ngủ: Khớp gối đau nhức, sưng tấy làm người bệnh không thể ngủ ngon và nằm trên giường cũng không thấy thoải mái. Hơn nữa, mất ngủ liên tục khiến người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi và nặng nề.
Tăng cân: Khớp gối đau và cứng làm người bệnh không thể di chuyển nhiều hay tập thể dục, dẫn đến tăng cân không lành mạnh. Mặt khác, việc tăng cân này sẽ lại gây áp lực lên xương khớp và khiến cho bệnh tình tệ thêm.
Các bệnh lý khác: Thoái hóa khớp gối cũng gây nên những bệnh khác như gout, tim mạch, tiểu đường,… làm ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người bệnh.
4. Điều Trị Thoái Hóa Khớp Gối
Hiện nay để chữa trị thoái hóa khớp gối, có những phương pháp sau:
4.1 Điều trị không dùng thuốc
Giảm cân (nếu bị thừa cân): Việc giảm cân giúp giảm áp lực ở đầu gối do cơ thể nặng nề gây nên.
Tập luyện các bài tập chống thoái hóa khớp gối: Bác sĩ sẽ đưa ra các bài tập tăng cường cơ bắp xung quanh đầu gối và bài tập linh hoạt giúp khớp gối chuyển động trơn tru hơn.
Vật lý trị liệu để giảm đau: Có 2 loại phương pháp vật lý trị liệu là chủ động và thụ động. Với phương pháp thụ động thì bác sĩ sẽ là người thực hiện, còn phương pháp chủ động thì người bệnh sẽ tự làm tại nhà.
Sửa tư thế người cho đúng: Người bệnh nên tránh ngồi xổm, ngồi bó chân và hạn chế leo cầu thang để không gây áp lực lên đầu gối.
4.2 Điều trị dùng thuốc
Thuốc chống viêm giảm đau: Acetaminophen (Tydol), loại thuốc này được dùng cho trường hợp thoái hóa khớp gối từ nhẹ đến trung bình.
Thuốc chống viêm không steroid: Nếu Acetaminophen không làm giảm đau thì người bệnh có thể dùng 2 loại thuốc Naproxen (Aleve) hoặc Ibuprofen (Motrin) này.
Thuốc bôi ngoài da: Dùng các loại gel như Voltaren Emulgel bôi tại khớp gối 2-3 lần/ngày để giảm đau nhanh.
Thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm: Glucosamine, Chondroitin, Diacerein giúp cải thiện các triệu chứng thoái hóa khớp và làm chậm tiến triển bệnh.
Thuốc tiêm vào khớp: Corticosteroid, Acid Hyaluronic giúp bôi trơn, giảm sưng đau và cứng ở khớp gối.
Đắp thuốc: Các nguyên liệu tự nhiên như lá ngải cứu, lá lốt, lá xương sông,… băm nhuyễn rồi đắp lên đầu gối, ngày thay thuốc 1 lần.
5. Phòng Ngừa Thoái Hóa Khớp Gối Ngay Từ Sớm
Nếu không chăm sóc khớp đúng cách, bạn có thể vô tình là thủ phạm đẩy nhanh tiến trình thoái hóa khớp gối. Cần phòng ngừa bệnh từ sớm với các biện pháp đơn giản:
- Tập thể dục đều đặn và đúng cách, có thể chơi các môn thể thao như bơi lội, đi bộ, đạp xe đạp, tránh những động tác quá mạnh, đột ngột.
- Chế độ ăn uống khoa học, giàu canxi và khoáng chất, tránh ăn nhiều chất béo, tránh dùng rượu bia và các chất kích thích thần kinh gây co cứng cơ.
- Kiểm soát cân nặng tốt, tránh thừa cân, béo phì.
- Giới văn phòng sau 1 – 2 giờ ngồi làm việc cần nghỉ giải lao, thay đổi tư thế sau mỗi 20 phút tránh cơ và khớp bị mỏi.
- Xoa bóp khớp gối đều đặn mỗi ngày, vào buổi sáng và chiều, giúp cơ bắp thư giãn, lưu thông máu.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ, chủ động tìm hiểu kiến thức về bệnh lý xương khớp.