Viêm khớp là thuật ngữ nói về một nhóm gồm hơn 100 bệnh. Các bệnh lý này đều liên quan đến khớp ở mọi vị trí trên cơ thể, chẳng hạn như khớp cổ tay, đầu gối, hông, ngón tay, vai… Đặc biệt, một số loại còn ảnh hưởng đến các mô và cơ quan liên kết khác như da, mắt, tim, phổi…
Viêm ở khớp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em, nhưng bệnh trở nên phổ biến hơn khi bạn già đi.
1. Viêm Khớp Là Gì? Nguyên Nhân Của Từng Bệnh Là Gì?
Viêm khớp là tình trạng một hoặc nhiều khớp xương bị kích ứng gây viêm. Có hơn 100 loại viêm khớp với những nguyên nhân và phương pháp điều trị khác nhau, trong đó 2 dạng phổ biến nhất là viêm xương khớp (OA-Osteoarthritis) và viêm khớp dạng thấp (RA-Rheumatoid Arthritis).
Triệu chứng và dấu hiệu của mỗi loại viêm khớp có thể giống hoặc không giống nhau tùy vào mức độ nặng-nhẹ và từng giai đoạn của bệnh lý nhưng thường gặp nhất ở người lớn tuổi (trên 65 tuổi) và tỷ lệ mắc bệnh viêm khớp ở phụ nữ cao hơn nam giới.
Tuy nhiên, những năm gần đây, viêm khớp ở người trẻ tuổi đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt là viêm khớp dạng thấp… Theo Dữ liệu toàn cầu về điều trị viêm khớp dạng thấp, có đến 8/100.000 người trong độ tuổi từ 18 đến 34 bị viêm khớp dạng thấp.
2. Phân loại bệnh viêm khớp
Mặc dù có đến 100 loại viêm khớp khác nhau, thế nhưng mức độ phổ biến chỉ bao gồm những bệnh lý dưới đây:
2.1 Viêm xương khớp
Là hậu quả của quá trình thoái hóa sụn và xương dưới sụn khiến – Viêm xương khớp không chỉ gây đau nhức mà còn tiềm ẩn nguy cơ tàn tật vĩnh viễn nếu không được chữa trị kịp thời.
2.2. Viêm khớp dạng thấp
Cùng với Lupus, thấp khớp cấp… viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý về khớp liên quan đến hệ miễn dịch của cơ thể, là bệnh mãn tính và có thể làm suy giảm chức năng của các cơ quan bộ phận khác như mắt, phổi, tim, mạch máu…
2.3. Viêm cột sống dính khớp
Viêm cột sống dính khớp là hiện tượng một số xương nhỏ trong cột sống của chúng ta bị dính chồng lên nhau (hợp nhất thành một). Tình trạng này khiến cột sống kém linh hoạt và có thể dẫn đến tư thế gập người về phía trước do cột sống bị rút ngắn lại.
2.4. Gout
Thuộc nhóm bệnh khớp do rối loạn chuyển hóa gây ra, gout có thể xảy đến bất cứ ai. Đặc trưng của bệnh viêm khớp này là các cơn đau đột ngột, dữ dội kèm sưng đỏ và nóng ở khớp.
2.5. Viêm khớp tự phát thiếu niên
Gọi là viêm khớp tự phát thiếu niên là bởi bệnh xuất hiện phổ biến nhất ở trẻ em dưới 16 tuổi và thường không xác định được nguyên nhân chính xác. Bệnh lý này có thể hết trong vài tháng nhưng cũng có khi theo trẻ đến lúc trưởng thành, thậm chí suốt phần đời còn lại.
Viêm khớp tự phát thiếu niên không chỉ gây sưng đau khớp mà còn gây ra những biến chứng nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển hệ vận động của trẻ em. Vậy nên, chuyên gia JEX thế hệ mới lưu ý các bậc phụ huynh: Nếu nhận thấy xương khớp của con em mình có những biểu hiện khác thường, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được kiểm soát và phòng ngừa tổn thương xương khớp do viêm xương khớp tự phát gây ra nhé!
2.6. Viêm khớp vảy nến
Khi phát hiện các mảng da bị đỏ ửng lên và lởm chởm vảy màu trắng bạc kèm theo cảm giác đau nhức, cứng ở khớp có thể bạn đã bị viêm khớp vảy nến. Bệnh lý này khởi phát phần lớn ở những người đang bị vảy nến, nhưng một số trường hợp sẽ bị viêm khớp trước rồi mới phát sinh triệu chứng bệnh vảy nến.
2.7. Viêm khớp phản ứng
Nguyên nhân khiến bạn mắc bệnh viêm khớp phản ứng là do một bộ phận nào đó của cơ thể (thường là ruột, đường tiết niệu, bộ phận sinh dục) bị nhiễm trùng. Đây không phải là bệnh lý nguy hiểm và thường biến mất trong khoảng 12 tháng kể từ khi xuất hiện. Viêm khớp phản ứng gây đau và sưng ở khớp gối, khớp mắt cá chân và bàn chân.
2.8. Viêm khớp nhiễm khuẩn
Vi khuẩn, virus từ một bộ phận khác trên cơ thể hoặc từ vết thương sâu bên ngoài đi qua máu xâm nhập vào khớp gây viêm nhiễm được gọi là viêm khớp nhiễm khuẩn. Bệnh biến chuyển nhanh và mức độ phá hủy sụn, xương dưới sụn cao, thế nên chúng ta cần phải có giải pháp điều trị kịp thời để bảo vệ xương khớp.
2.9. Viêm khớp ngón tay cái
Viêm khớp ngón tay cái gây đau dữ dội và sưng làm giảm sức mạnh cũng như phạm vi chuyển động của ngón tay gây khó khăn cho việc thực hiện các động tác cơ bản hàng ngày. Bệnh xảy ra do quá trình lão hóa và nếu nghiêm trọng có thể phải phẫu thuật để điều chỉnh lại khớp ngón tay cái.
2.10. Viêm khớp háng
Viêm khớp háng là 1 vấn đề thường gặp ở rất nhiều người, gây ra tình trạng viêm sưng, đau nhức từ nhẹ tới nặng vùng khớp háng. Từ đó, gây ra các trở ngại trong quá trình chuyển động để thực hiện các động tác cơ bản.
3. Phương pháp điều trị bệnh
Mục tiêu chính của việc điều trị các bệnh lý viêm khớp là giảm thiểu cơn đau và ngăn ngừa khớp bị tổn thương thêm. Bạn sẽ được bác sĩ tư vấn cách kiểm soát cơn đau phù hợp nhất với mình. Một số người nhận thấy biện pháp chườm đá và sử dụng miếng dán có tác dụng làm dịu cơn đau hiệu quả. Những người khác sử dụng các thiết bị hỗ trợ di chuyển, như gậy hoặc khung tập đi, để giảm áp lực cho các khớp bị đau.
Cùng với các biện pháp cải thiện cơn đau, bác sĩ sẽ chỉ định bạn một số phương pháp khác nhằm kiểm soát triệu chứng, chẳng hạn như:
3.1 Dùng thuốc
Một số loại thuốc điều trị viêm khớp thường được kê toa là:
- Thuốc giảm đau: hydrocodone (Vicodin) hoặc acetaminophen (Tylenol) có hiệu quả trong việc kiểm soát cơn đau, nhưng không giúp giảm viêm.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): ibuprofen (Advil) và salicylat, giúp kiểm soát đau và viêm.
- Menthol hoặc kem capsaicin: ngăn chặn việc truyền tín hiệu đau từ các khớp lên não.
- Thuốc ức chế miễn dịch (prednisone hoặc cortisone) giúp giảm viêm.
3.2 Phẫu thuật
Phẫu thuật để thay khớp nhân tạo được chỉ định cho các bệnh nhân viêm khớp mức độ nặng và mọi biện pháp chữa trị đều không đem lại hiệu quả. Phương pháp phẫu thuật này được thực hiện phổ biến nhất đối với khớp hông và đầu gối.
Nếu tình trạng viêm của bạn nghiêm trọng nhất ở khớp ngón tay hoặc cổ tay, bác sĩ có thể tiến hành ghép khớp.
3.3 Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu là liệu pháp điều trị sử dụng các bài tập giúp tăng cường các cơ xung quanh khớp bị ảnh hưởng. Dựa trên thể trạng và mức độ viêm khớp của người bệnh, bác sĩ sẽ thiết lập cho họ những bài tập phù hợp nhằm giảm đau, tăng sự linh hoạt cho khớp và tăng phạm vi cử động của khớp. Một số bệnh viêm khớp ở mức độ nhẹ và trung bình có thể được chữa khỏi sau một thời gian tập vật lý trị liệu.
3.4 Điều trị tại nhà
Những thói quen dưới đây giúp người bệnh kiểm soát triệu chứng hiệu quả (3):
- Tập thể dục thường xuyên: Vận động nhẹ nhàng rất có lợi cho việc cải thiện triệu chứng cũng như tăng cường sức khỏe tổng thể. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ về bộ môn thể thao phù hợp với tình trạng của bạn: bơi lội, đi bộ, chạy bộ hay đạp xe… Bạn cần vận động tối thiểu 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần.
- Cân bằng hoạt động với nghỉ ngơi: Ngoài việc duy trì hoạt động, chế độ nghỉ ngơi hợp lý cũng quan trọng không kém đối với người bệnh viêm khớp. Hãy thả lỏng cơ thể khi các cơ có dấu hiệu mệt mỏi, và chỉ tập luyện trở lại khi mọi cơ quan đều đã sẵn sàng.
- Có chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Một thực đơn ăn uống cân bằng sẽ giúp bạn duy trì cân nặng ổn định và kiểm soát chứng viêm. Người bệnh viêm khớp nên hạn chế ăn các loại thực phẩm tinh chế, thực phẩm chế biến sẵn và thực phẩm có nguồn gốc từ động vật. Thay vào đó, hãy chọn thực phẩm giàu chất chống oxy hóa và có đặc tính chống viêm, đồng thời tăng cường thực phẩm chứa nhiều canxi và vitamin D để củng cố sức khỏe cơ xương khớp.
- Cải thiện giấc ngủ: Giấc ngủ kém chất lượng và thiếu số lượng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng đau nhức do viêm khớp. Vì thế, bạn hãy cố gắng để có một giấc ngủ ngon, sâu và đủ giấc.