Viêm thoái hoá khớp ngón tay là bệnh lý khá thường gặp, do nhiều nguyên nhân gây ra. Bệnh có thể gây nhiều khó khăn cho bệnh nhân trong sinh hoạt hằng ngày do đau và biến dạng khớp.
1.Thoái Hoá Khớp Ngón Tay Là Bệnh Gì?
Thoái hóa khớp ngón tay có thể xảy ra ở bất kỳ ngón tay nào như khớp ngón tay cái, khớp ngón tay út,… Đây là tình trạng sụn nằm ở đầu các xương hình thành khớp ngón tay bị mòn đi hoặc thoái hóa, thường diễn ra từ từ trong nhiều năm. Với viêm thoái hoá khớp ngón tay, các sụn bao phủ đầu xương bị giảm chất lượng, bề mặt trơn nhẵn của nó bị sần sùi. Khi các xương chà xát với nhau sẽ dẫn đến ma sát và tổn thương khớp. Các tổn thương khớp có thể dẫn đến sự tăng trưởng của các xương mới dọc theo 2 bên xương hiện có (gai xương) hoặc có thể tạo ra khối gồ trên khớp ngón tay.
2.Nguyên Nhân Gây Thoái Hóa Khớp Ngón Tay
Thoái hóa khớp ngón tay có thể do lão hóa hoặc chấn thương
- Lão hóa: Thoái hoá khớp ngón tay thường xảy ra cùng với lão hóa;
- Chấn thương: Các chấn thương trước đó như bong gân nặng, gãy xương hoặc tổn thương khớp ngón tay có thể tác động tới sụn khớp, làm thay đổi hoạt động của khớp. Khi chấn thương làm khớp thay đổi cách sắp xếp và chuyển động, lực sẽ đè ép lên bề mặt sụn khớp, sau thời gian sẽ phá hủy sụn khớp. Vì sụn khớp không thể tự phục hồi tốt, tổn thương sẽ ngày càng nặng hơn và xuất hiện các triệu chứng viêm thoái hoá khớp ngón tay.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc thoái hoá khớp ngón tay:
- Là nữ giới;
- Trên 40 tuổi;
- Béo phì;
- Mắc một số tình trạng di truyền như dây chằng khớp lỏng, các khớp bị biến dạng,…;
- Các bệnh làm thay đổi cấu trúc và chức năng bình thường của sụn khớp như viêm khớp dạng thấp;
- Các hoạt động và công việc tạo áp lực lên ngón tay.
3.Triệu Chứng Của Thoái Hóa Khớp Ngón Tay
- Đau khớp ngón tay: Là triệu chứng đầu tiên và phổ biến nhất. Cơn đau có thể xảy ra ở gốc ngón tay khi nắm, chụp một vật nào đó hoặc dùng lực ngón tay. Đầu tiên, cơn đau chỉ xuất hiện khi bệnh nhân bắt đầu một hoạt động cầm, nắm đồ vật. Khi người bệnh hoạt động, cơn đau sẽ giảm bớt. Tuy nhiên, sau khi nghỉ ngơi vài phút, cơn đau và cứng khớp sẽ tăng lên. Khi bị thoái hóa khớp nặng hơn, cơn đau khớp ngón tay sẽ xuất hiện ngay cả khi người bệnh nghỉ ngơi;
- Biến dạng ngón tay: Khi bệnh thoái hoá khớp ngón tay tiến triển, ngón tay thường biến dạng. Các khớp bàn ngón tay bắt đầu hướng về một bên (về phía ngón út) – là hiện tượng lệch về phía xương trụ, có thể gây yếu tay và đau, gây khó khăn trong việc sử dụng bàn tay trong những hoạt động thường ngày;
- Biến dạng khớp liên đốt: Khớp liên đốt ngón tay bắt đầu gập hoặc duỗi quá mức, tạo thành các biến dạng đặc trưng. Biến dạng cổ thiên nga là tình trạng các khớp liên đốt gần bị lỏng và duỗi quá mức, trong khi đó khớp liên đốt xa bị gập lại. Biến dạng boutonniere xuất hiện khi khớp liên đốt gần bị gập và khớp liên đốt xa duỗi ra;
- Sưng khớp liên đốt: Các khớp liên đốt gần bị to mặt sau, sưng và đau, tạo thành các nốt Bouchard. Các khớp liên đốt xa bị sưng to gọi là nốt Heberden;
- Triệu chứng khác: Sưng, cứng, ấm và đau ở gốc ngón tay; giảm sức mạnh khi cầm, nắm đồ đạc; giảm phạm vi chuyển động tay; khớp tại gốc ngón tay to ra hoặc nhìn thấy cục xương.
4.Điều Trị Thoái Hóa Khớp Ngón Tay
4.1 Điều trị không can thiệp phẫu thuật
Trong giai đoạn đầu của viêm thoái hoá khớp ngón tay, việc điều trị chủ yếu là áp dụng các phương pháp không can thiệp phẫu thuật như:
- Dùng thuốc uống:
Với trường hợp khớp ngón tay chỉ đau khi làm việc nhiều hoặc nặng thì bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thuốc kháng viêm nhẹ như Aspirin hoặc Ibuprofen… Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần giảm hoạt động nặng hoặc ngưng làm công việc đòi hỏi nhiều cửa động lặp lại của bàn tay và ngón tay để giúp kiểm soát triệu chứng bệnh;
- Dùng thuốc tiêm:
Huyết tương giàu tiểu cầu (Platelet Rich Plasma, PRP): PRP kích thích tế bào biểu mô, tạo chất nền, phân chia tế bào và tái tạo tế bào máu, cũng như kích thích phát triển mạch máu. Từ đó làm tái sinh các mô bị hư hại, giúp cho tế bào trở nên khỏe mạnh hơn. Đối với các tổn thương cơ xương khớp, PRP có tác dụng kháng viêm, chấm dứt cơn đau nhanh chóng, tăng khả năng vận động cho cơ và khớp.
Cortisone: Bệnh nhân có thể được chỉ định tiêm Cortisone vào khớp ngón tay để giảm đau tạm thời (Cortisol là thuốc kháng viêm mạnh). Tuy nhiên, tác dụng của thuốc chỉ kéo dài khoảng vài tuần đến vài tháng. Đồng thời, thủ thuật này cũng đi kèm nguy cơ nhiễm trùng khớp;
- Phục hồi chức năng:
Vật lý trị liệu hoặc hoạt động trị liệu đóng vai trò thiết yếu trong việc điều trị viêm khớp ngón tay không can thiệp bằng phẫu thuật. Mục tiêu điều trị là giúp bệnh nhân nắm được cách kiểm soát triệu chứng, giữ bàn tay và các khớp ngón tay trong điều kiện tốt nhất. Bệnh nhân sẽ được học cách làm dịu cơn đau và các triệu chứng khó chịu, bao gồm các phương pháp như nghỉ ngơi, giảm đau bằng nhiệt hoặc dùng thuốc thoa ngoài da. Bài tập về biên độ chuyển động và căng cơ cũng được đề nghị thực hiện để cải thiện khả năng vận động của ngón tay. Bài tập tăng sức mạnh cho bàn tay và cánh tay có tác dụng giữ vững bàn tay và bảo vệ ngón tay trước tình trạng sốc hay áp lực;
- Băng thun hoặc nẹp ngón tay:
Là phương pháp có thể được dùng cho một số bệnh nhân để hỗ trợ giảm đau, ngăn ngừa biến dạng khớp ngón tay hoặc ngăn khớp bị biến dạng nặng hơn.
4.2 Điều trị phẫu thuật
Với trường hợp viêm thoái hóa khớp ngón tay nặng, các phương pháp trên không phát huy được hiệu quả như mong muốn, bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện phẫu thuật. Các phương pháp phẫu thuật thường được áp dụng trong điều trị viêm khớp ngón tay là:
- Hàn xương (làm cứng khớp): Nhằm mục đích loại bỏ cơn đau bằng cách cho phép các xương tạo thành khớp đó phát triển về phía nhau hoặc kết hợp với nhau tạo thành một khối xương đặc. Hàn xương có hiệu quả tốt trong việc điều trị đau và biến dạng khớp do viêm thoái hoá. Phương pháp này được sử dụng phổ biến cho khớp liên đốt gần và liên đốt xa, mang lại hiệu quả tốt hơn và đơn giản hơn so với việc cố gắng giữ chuyển động của khớp ngón tay bằng cách thay khớp;
- Thay khớp nhân tạo: Khi áp dụng thủ thuật thay khớp nhân tạo, bác sĩ sẽ dùng các khớp nhân tạo bằng nhựa hoặc kim loại để thay cho các khớp bị viêm. Khớp nhân tạo tạo thành một bản lề mới, cho phép khớp chuyển động tự do, đồng thời giảm đau đớn cho bệnh nhân.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể phải bó bột hoặc đeo nẹp ngón tay và cổ tay trong khoảng 6 tuần. Khi nẹp được lấy ra, người bệnh có thể cần vật lý trị liệu để lấy lại sức mạnh và độ linh hoạt của ngón tay.
Nếu được phát hiện sớm, bệnh viêm thoái hóa khớp ngón tay có thể được điều trị nhanh chóng với chi phí thấp, ít nguy cơ xảy ra biến chứng. Vì vậy, người bệnh nên đi khám khi có các triệu chứng đã nêu trong bài để Bác sĩ có thể xác định được chính xác nguyên nhân và đưa ra phương án điều trị phù hợp với tình trạng bệnh hiện tại.