Thoái hóa khớp bàn tay là bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi. Bệnh thường gây đau, ảnh hưởng đến chức năng vận động, đời sống sinh hoạt của người bệnh. Tuy không có phương pháp chữa trị dứt điểm bệnh, triệu chứng bệnh vẫn có thể được kiểm soát bằng thuốc và một số biện pháp hỗ trợ khác.
1. Thoái Hóa Khớp Bàn Tay Là Gì?
Thoái hóa khớp bàn tay là tình trạng xương dưới sụn, sụn khớp bàn tay – ngón tay bị mài mòn và viêm, gây cứng khớp, khó vận động, dẫn tới các cơn đau nhức nghiêm trọng. Khi bị thoái hóa nặng, hai đầu xương sẽ va vào nhau, gây biến dạng khớp.
Tình trạng thoái hóa có thể xảy ra tại bất kỳ khớp nào của cơ thể. Trong đó, những khớp như khớp gối, khớp háng, khớp vai, khớp bàn tay, ngón tay là các khớp dễ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Thoái hóa khớp tay xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như tuổi tác, chấn thương, dùng khớp tay quá nhiều… Trong một vài trường hợp, bệnh có khả năng phát triển mạnh nhưng không có yếu tố nào tác động.
Bệnh nhân thường có cảm giác đau nhức, cứng khớp và khó vận động. Để kiểm soát triệu chứng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định bạn dùng thuốc giảm đau, kháng viêm kết hợp những biện pháp chăm sóc tại nhà. Các trường hợp thoái hóa nặng có thể được yêu cầu can thiệp phẫu thuật.
2. Nguyên Nhân Bệnh Thoái Hóa Khớp Bàn Tay
Thoái hóa khớp bàn tay được chia làm 2 nhóm: nguyên phát và thứ phát.
Thoái hóa khớp nguyên phát là thoái hóa khớp phổ biến nhất, nó không có nguyên nhân cụ thể như chấn thương rõ ràng hoặc các bệnh lý dễ mắc thoái hóa.
Thoái hóa khớp thứ phát xảy ra với một bất thường khớp đã có từ trước. Các tình trạng này bao gồm: Chấn thương khớp (chấn thương lớn gây tổn thương khớp), tổn thương khớp bẩm sinh, viêm khớp (Gút, viêm khớp dạng thấp…), hoại tử vô mạch, viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm xương tủy xương, bệnh Paget, rối loạn chuyển hóa (bệnh Wilson), bệnh huyết sắc tố, hội chứng Marfan.
Thoái hóa khớp nguyên phát tuy không có nguyên nhân cụ thể song có một số yếu tố nguy cơ đã được xác định:
- Giới tính nữ
- Tuổi trên 40
- Thời kỳ mãn kinh
- Tiền sử gia đình bị viêm khớp
- Thừa cân
- Lỏng lẻo khớp
- Tiếp xúc nghề nghiệp hoặc chấn thương khớp trước đó (các chấn thương nhỏ).
– Cơ chế bệnh sinh
Khớp gồm nhiều thành phần: xương, sụn khớp, bao khớp, dây chằng, mạch máu, thần kinh, cơ… Khi bị thoái hóa khớp, tất cả thành phần này đều có thể tổn thương. Tại khớp luôn có 2 quá trình: đồng hóa khớp (tạo khớp) và dị hóa khớp (hủy khớp), hai quá trình này luôn cân bằng để duy trì sự toàn vẹn trong cấu trúc và chức năng của các khớp. Ở những người có yếu tố nguy cơ và bệnh lý nền sẽ tác động đến khớp làm tăng các chất gây viêm tại chỗ, các men tiêu protein làm phá hủy khớp. Thay đổi sớm trong thoái hóa khớp là các chấn thương sụn (vi chấn thương).
Sau chấn thương sụn, mạng lưới collagen bị phá hủy, các tế bào sụn chết theo chương trình, các protein bảo vệ khớp bị giảm dần, sau đó là tổn thương các thành phần xung quanh khớp
3. Triệu Chứng Bệnh Thoái Hóa Khớp Bàn Tay
- Đau khớp. Đau là triệu chứng thường gặp nhất ở người bệnh thoái hóa khớp. Trong giai đoạn đầu, người bệnh chỉ đau âm ỉ thoáng qua, tự hết nên bệnh nhân không để ý đến. Dần dần, tình trạng đau tăng dần, đau khi vận động làm việc và giảm khi nghỉ ngơi. Nếu không được điều trị và nghỉ ngơi hợp lý, thoái hóa khớp tiến triển nặng có thể gây tình trạng đau liên tục cả ngày và đêm.
- Cứng khớp. Cứng khớp thường gặp vào buổi sáng, sau một thời gian dài không vận động. Cứng khớp ở người bị thoái hóa thường <15 phút, hay còn gọi là phá gỉ khớp. Sau một vài động tác hoặc xoa bóp nhẹ nhàng, tình trạng cứng khớp này sẽ hết.
- Giảm vận động khớp. Ở trường hợp thoái hóa khớp tiến triển hoặc thoái hóa khớp nặng sẽ hạn chế vận động (người bệnh khó co duỗi, cầm nắm, vận động) do tình trạng đau, cứng khớp, biến dạng khớp gây ra.
- Lục cục khớp: Người bệnh cảm giác khớp kêu lục cục khi vận động.
- Biến dạng khớp: Các khớp khi bị thoái hóa khớp nặng dẫn đến tình trạng dính khớp, biến dạng khớp gây vận động khó khăn.
- Khám lâm sàng thoái hóa khớp bàn tay trong giai đoạn đầu thường không có biểu hiện bất thường. Các giai đoạn sau có thể thấy cứng khớp, biến dạng khớp, hạt Heberden, hạt Bouchard.
4. Các Biện Pháp Điều Trị Bệnh Thoái Hóa Khớp Bàn Tay
-
- Mục tiêu trong điều trị thoái hóa khớp bàn tay là bảo tồn chức năng khớp, giảm đau, cải thiện chất lượng cuộc sống. Đa phần bệnh nhân thoái hóa khớp chỉ cần điều trị nội khoa là đủ.
– Điều trị không dùng thuốc
Các phương pháp điều trị không dùng thuốc bao gồm:
- Tránh các hoạt động làm trầm trọng thêm cơn đau hoặc làm khớp quá tải
- Tập thể dục để cải thiện sức mạnh
- Giảm cân
- Đỡ khớp bằng nẹp trong trường hợp thoái hóa khớp nặng.
Vật lý trị liệu chính thức là phương pháp rất quan trọng để hỗ trợ bệnh nhân. Vật lý trị liệu giúp các khớp vận động linh hoạt, giảm đau, giảm các động tác xấu, tránh nguy cơ thoái hóa khớp nặng.
- Thuốc điều trị triệu chứng:
Thuốc được dùng ở những giai đoạn người bệnh đau nhiều, hạn chế vận động. Các loại thuốc có thể lựa chọn bao gồm: thuốc giảm đau theo bậc giảm đau của tổ chức y tế thế giới, NSAIDs (thuốc chống viêm không steroid) đường uống hoặc bôi tại chỗ dành cho những người có chống chỉ định với thuốc uống. Do tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, thận và tim mạch, nên khi sử dụng thuốc chống viêm không steroid cần thận trọng và theo dõi trong thời gian dài.
- Corticoid tiêm tại chỗ
Corticoid đường toàn thân không được khuyến cáo cho điều trị thoái hóa khớp, song tiêm tại chỗ là một phương pháp điều trị hiệu quả cho thoái hóa khớp, đặc biệt cho những bệnh nhân đau cấp tính, đau không đáp ứng với thuốc uống và bôi. Corticoid tiêm tại chỗ không có hiệu quả giảm thoái hóa khớp nhưng giúp giảm đau, giảm hạn chế vận động. Tuy nhiên, không nên lạm dụng corticoid tiêm quá mức, bởi nó có thể làm cho tình trạng thoái hóa nặng hơn nếu tiêm không đúng cách hoặc gây nên các tác dụng không mong muốn tại chỗ (thay đổi sắc tố da, nhiễm trùng do không đảm bảo vô khuẩn khi tiêm…)
- Thuốc chống thoái hóa
Các thuốc chống thoái hóa có tác dụng giảm tiến trình thoái hóa khớp, bảo vệ khớp. Tuy nhiên, những thuốc này không thể giúp khớp hết thoái hóa hoàn toàn. (Hiện chưa có phương pháp nào được nghiên cứu trên thế giới làm hết thoái hóa khớp hay đảo ngược các tổn thương trong thoái hóa).
Các thuốc chống thoái hóa khớp bao gồm: Glucosamine sulfate, diacerein, tinh chất không xà phòng hóa của quả bơ và đậu nành, chrondotin. Những thuốc này nên sử dụng kéo dài để đạt hiệu quả.
Điều trị ngoại khoa
- Nội soi cắt bao hoạt dịch. Giúp giảm triệu chứng và trì hoãn những phẫu thuật xâm lấn nhiều hơn. Bên cạnh đó, nội soi cắt bao hoạt dịch còn là phương pháp lấy bệnh phẩm, chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác.
- Tạo hình khớp bằng silicon. Sử dụng cho những trường hợp cứng khớp, dính khớp. Phẫu thuật giúp cải thiện khả năng vận động của khớp bàn ngón tay.
- Nẹp vít. Sử dụng cho các trường hợp tổn thương khớp nặng, lệch trục, phá hủy xương dưới sụn.